Trung Quốc vừa phóng những vệ tinh đầu tiên trong dự án chòm vệ tinh quy mô lớn Quốc Võng, qua đó đẩy mạnh cuộc đua cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng.
Vệ tinh đầu tiên trong chòm vệ tinh Quốc Võng được Trung Quốc phóng hôm 16-12. Ảnh: Xinhua
Theo Tân Hoa xã, một nhóm vệ tinh được phóng lên bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 5B cùng tầng trên Viễn Chinh-2 từ sân bay vũ trụ Văn Xương ở miền Nam Trung Quốc chiều 16-12 và sau đó đã đạt đến quỹ đạo thấp của Trái đất như dự kiến. Học viện Công nghệ Du hành Vũ trụ Thượng Hải (SAST) trong một tuyên bố xác nhận vụ phóng thành công nhưng không tiết lộ thông tin về số lượng vệ tinh đã phóng cũng như các chi tiết cơ bản như quỹ đạo, khối lượng vệ tinh và nơi sản xuất chúng. Tân Hoa xã cũng chỉ gọi các vệ tinh này là nhóm vệ tinh quỹ đạo Trái đất thấp đầu tiên trong dự án chòm vệ tinh Internet của Trung Quốc.
Dự án chòm vệ tinh Quốc Võng lần đầu được biết đến vào năm 2020 khi Trung Quốc nộp hồ sơ lên Liên minh Viễn thông Quốc tế về dự án chòm vệ tinh gồm gần 13.000 vệ tinh. Được coi là phiên bản Trung Quốc sử dụng để đối trọng với dịch vụ Internet vệ tinh Starlink thuộc công ty SpaceX do tỉ phú Mỹ Elon Musk sáng lập, chòm vệ tinh do Tập đoàn Mạng vệ tinh Trung Quốc quản lý mang sứ mệnh cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng toàn cầu, đồng thời đáp ứng các mục tiêu an ninh quốc gia của Trung Quốc. Hiện SpaceX đang dẫn đầu cuộc đua giành quyền thống trị trong lĩnh vực Internet vệ tinh. Đến nay, SpaceX có gần 7.000 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo, phục vụ khoảng 5 triệu khách hàng trên hơn 100 quốc gia và đang có kế hoạch nâng tổng số vệ tinh trên quỹ đạo lên mức 42.000 vệ tinh.
Thật ra, đây không phải là lần đầu Trung Quốc phóng các vệ tinh quỹ đạo Trái đất thấp trong năm 2024. Với 3 lần phóng trong năm nay, Trung Quốc đã đưa tổng cộng 54 vệ tinh trong dự án chòm vệ tinh Thiên Phàm vào quỹ đạo. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ lần thứ tư phóng các vệ tinh trong dự án này vào ngày 22-12 tới. Thiên Phàm là dự án chòm vệ tinh gồm gần 14.000 vệ tinh do công ty Internet vệ tinh Spacesail quản lý.
Theo giới phân tích, việc Trung Quốc phê duyệt 2 dự án chòm vệ tinh quỹ đạo Trái đất thấp nói trên cho thấy giá trị chiến lược của 2 dự án này. Chúng được cho đóng vai trò là động lực cho nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc. Ngoài ra, nhờ cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh trên phạm vi quốc tế, 2 chòm vệ tinh Quốc Võng và Thiên Phàm có thể củng cố quyền lực mềm và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Juliana Suess, chuyên gia tại Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức cho hay, mạng vệ tinh của Trung Quốc có thể tìm thấy khách hàng ở các quốc gia không được Starlink phủ sóng, như Nga, Afghanistan hay Syria.
Theo Steve Feldstein, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, không chỉ là công cụ gây ảnh hưởng địa chính trị, việc sở hữu một chòm vệ tinh Internet độc quyền ngày càng trở thành một nhu cầu bức thiết về an ninh quốc gia, đặc biệt là khi cơ sở hạ tầng Internet mặt đất bị tê liệt trong chiến tranh. “Khi nói đến vai trò khác biệt mà công nghệ Starlink đóng góp vào chiến trường Ukraine, một trong những bước tiến lớn là sự xuất hiện của chiến tranh bằng máy bay không người lái và chiến trường được kết nối. Việc sở hữu vũ khí dựa trên vệ tinh được coi là một lợi thế quân sự quan trọng. Tôi nghĩ Trung Quốc nhìn ra tất cả những điều đó và tin rằng đầu tư vào điều này hoàn toàn có ý nghĩa đối với các mục tiêu an ninh quốc gia” - ông Feldstein cho biết.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 16-12 cũng đã chính thức khởi động dự án xây dựng hạ tầng chòm sao vệ tinh dành riêng cho truy cập Internet tốc độ cao khi ký hợp đồng nhượng quyền với một tập đoàn châu Âu để phát triển hệ thống liên lạc an toàn trên không gian. Dự án Iris² đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới đa quỹ đạo gồm 290 vệ tinh, cạnh tranh trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh của Mỹ như Starlink của SpaceX và dự án Kuiper của Amazon.
Với ngân sách ước tính 10,6 tỉ euro, Iris² sẽ cung cấp liên lạc an toàn cho các mục đích quân sự, quốc phòng và ngoại giao. Ngoài ra, hệ thống này còn có thể được sử dụng để giám sát, kết nối ở các khu vực bị thiên tai và cung cấp truy cập băng thông rộng thương mại. Hệ thống Internet vệ tinh này được phát triển theo hình thức hợp tác công tư, phục vụ cả chính phủ và khách hàng tư nhân. Dự kiến, những vệ tinh đầu tiên của dự án sẽ được phóng lên quỹ đạo vào năm 2029 và đi vào hoạt động vào năm 2030. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Henna Virkkunen tuyên bố chòm sao vệ tinh tiên tiến này sẽ giúp tăng cường quyền tự chủ chiến lược của châu Âu.
Iris² là dự án không gian lớn thứ ba của EU, sau hệ thống định vị vệ tinh Galileo và chòm sao vệ tinh giám sát Trái Đất Copernicus.
|