Truyện ngắn: LÊ HỨA HUYỀN TRÂN
-Thầy nhớ em chứ. Vì em là cậu học trò đặc biệt...
Thầy nói vậy rồi khẽ lấy bình trà được ủ trong vỏ trái dừa, rót nhẹ nhàng cho tôi một ly. Mái tóc bạc trắng làm hình ảnh thầy trong tôi trở nên rất khác so với rất nhiều năm về trước. Thầy chậm rãi nhấp một ngụm rồi hồi tưởng lại những năm tháng còn dạy học. Những câu chuyện thầy kể, có hình ảnh của tôi trong đó. Kể từ khi bị tai biến rồi về hưu cách đây ít năm, sức khỏe thầy yếu hẳn, chỉ giữ lại trong mình những niềm vui thời dạy học theo những câu chuyện đan xen về học trò cũ.
Mẹ tôi bỏ đi vì cám cảnh nghèo, một mình ba nuôi tôi khôn lớn. Năm tôi vào lớp sáu, ba mất vì bạo bệnh, tôi trở thành trẻ mồ côi, được cô tôi nhận nuôi và đưa đến một vùng đất lạ. Con trai tuổi dậy thì nổi loạn hoặc giả là tôi đang tìm lý do biện hộ cho những hình ảnh sai quấy của mình vào thời điểm đó. Thầy là giáo viên chủ nhiệm của tôi khi đó, cũng là giáo viên môn Văn. Ấn tượng của tôi về thầy là một người đàn ông khá cao và gầy, có mái tóc hơi xoăn, luôn đi rất nhanh, cứ như đang vội vàng. Khi gặp thầy đi trên hành lang của trường, tôi cảm giác như thầy đang căng thẳng vì sợ trễ giờ. Thế nhưng bước vào lớp học, thầy luôn nở nụ cười nhẹ nhàng.
Tôi khi ấy tự xa lánh mọi người, phần vì nỗi buồn ba vừa mất, phần vì mới đến một nơi xa lạ, toàn những người lần đầu gặp. Trường học khi đó vỏn vẹn 4 lớp, vì là điểm lẻ. Trường nằm giữa cánh đồng lúa với gốc cây cổ thụ to nơi cổng. Tán cây tỏa ra cả bên ngoài trường, dưới bóng mát đó bên ngoài cổng có hàng nước của bà cụ đã lớn tuổi lắm rồi. Có lẽ thấy tôi khó hòa nhập với lớp mới, vào một ngày cuối tuần, thầy đãi cả lớp một chầu tại hàng nước ở cổng trường. Bà cụ ngồi dưới tán cây, có một cái sạp nhỏ, bày ít thứ bánh trái, vài chiếc ghế đẩu ghế con, vài thứ nước xanh tím đủ màu. Chúng tôi khiến quán nhỏ của cụ trở nên đông đúc: vài đứa ngồi trên ghế, vài đứa ngồi chồm hổm dưới tán cây. Gió thổi từ cánh đồng vào mát rượi, chúng tôi ngồi nghe cụ kể đủ chuyện ngày xưa.
- Phát ăn kẹo đậu phộng không? Huynh không ăn được đậu phộng.
Đứa bạn ngồi chung suốt mấy tháng lần đầu gợi chuyện với tôi. Tôi cầm lấy.
- Sao không ăn đậu phộng được? Vậy sao ăn được bánh đúc riêu cua nhân đậu phộng, ngon phải biết.
Các bạn vừa nghe thấy tôi nhắc đến món đó liền ồ lên:
- Phát ăn món đó ở đâu vậy? Món đó nghe ngon lắm hả?
- Cô mình nấu ... - Tôi hơi ngại trước sự hào hứng của các bạn - Nếu các bạn rảnh thì hẹn trước, mình nhờ cô nấu đãi cả lớp.
Chủ đề từ món bánh đúc mà cô vẫn hay nấu cho tôi ăn lan sang nhiều câu chuyện khác, tôi cũng tự nhiên hòa nhập với các bạn. Tôi khẽ nhìn sang thầy, đang ngồi một góc nhâm nhi vài viên kẹo, uống cốc trà và mỉm cười với tôi.
Từ sau lần đó tôi hòa đồng với lớp hơn và dần biết trong lớp cũng có những bạn có hoàn cảnh riêng. Có bạn ba mẹ thường đi làm ăn xa, có bạn gia đình ly tán chỉ sống với ba hoặc mẹ... Tôi chợt nhận ra bấy lâu là tôi tự khép kín mình chứ các bạn luôn chào đón tôi. Mặc cảm bị mẹ bỏ rơi và nỗi đau mất ba trong tôi dần nguôi ngoai sau 2 năm ở ngôi trường mới...
Đột ngột, thầy bệnh. Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi đến thăm thầy vì theo học thầy hai năm, lần đầu tiên chúng tôi mới thấy thầy xin nghỉ bệnh. Dường như chúng tôi mặc định rằng khi nắng mưa, khi bệnh đau, chỉ có chúng tôi có thể xin nghỉ; còn thầy sẽ luôn đợi chúng tôi ở lớp. Căn nhà của thầy nằm sâu trong hẻm nhỏ, chỉ có một phòng: góc nhà là một tấm phản, một bộ bàn ghế nhỏ giữa nhà và một góc còn lại là để các vật dụng nhà bếp cứ như nơi ở tạm.
Thấy chúng tôi đến, thầy dù còn đang ho nhưng ánh mắt lại long lanh niềm vui. Thầy nấu nước rễ tranh mía lau cho chúng tôi uống và cố gượng dậy nấu cháo cho chúng tôi cùng ăn vì sợ chúng tôi đói, hỏi han tình hình học tập... Sau này chúng tôi mới biết, thầy đã lập gia đình nhưng vì nhận nhiệm vụ dạy học nơi đây mà xa vợ con. Con thầy cũng trạc tuổi chúng tôi nên mỗi khi nhìn thấy chúng tôi thầy luôn nhớ đến gia đình và xem chúng tôi như ruột thịt mà từng chút dạy dỗ, nâng đỡ tinh thần...
Tôi lên lớp chín, quyết tâm trở thành thành viên đội ngũ học sinh giỏi văn để đi thi cấp tỉnh. Ngày đó nếu có giải thì có thể được tuyển thẳng vào trường chuyên nên tôi rất cố gắng. Thế nhưng cuối cùng tôi lại không thể có giải cấp tỉnh vì thiếu chút điểm. Hụt hẫng, tôi tự thu mình lại và không nói chuyện với một ai, thậm chí còn bỏ bê việc học.
- Đó có phải cách duy nhất để vào trường chuyên không Phát? - Một hôm thầy nhẹ nhàng hỏi tôi.
- Dạ không, còn cuộc thi tuyển sinh nữa, nhưng nếu có giải thì em không cần thi mà được tuyển thẳng...
- Nghĩa là em vẫn có thể học ở trường chuyên bằng cách khác mà đúng không? - Khi thấy tôi im lặng thầy nói tiếp - Cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Em còn nhỏ, việc học còn dài, vẫn chưa phải là quá muộn cho bất cứ ước mơ và mục tiêu nào.
Vậy là tôi bắt đầu lao vào học như bạn bè đồng trang lứa. Năm ấy, sau khi tốt nghiệp cấp hai tôi đăng ký thi vào trường chuyên và đã đậu...
Lớp tôi khi ấy mỗi tôi đậu trường chuyên trên tỉnh. Tôi cũng theo học nội trú, cuối tuần mới về quê. Mỗi khi về tôi vẫn hay ghé thăm thầy kể về việc học và cả cuộc sống. Sau đó tôi chọn một trường đại học lớn tại Thủ đô, cách rất xa quê nhà. Cô tôi vì mưu sinh cũng theo chồng đi nơi khác, không còn ở quê nữa. Những năm đầu đại học tôi vẫn hay gọi điện cho thầy, rồi sau đó, theo guồng quay cuộc sống, tôi tốt nghiệp, đi làm bận rộn với mưu sinh, những cuộc gọi cứ thưa thớt dần...
Dễ cũng hơn hai mươi năm rồi, tôi quay về thăm lại quê xưa. Điểm trường cũ của tôi đã không còn, mà tập trung hết về điểm chính. Nơi cánh đồng năm xưa giờ là công viên khá lớn. Tôi vào xóm cũ, những người bạn năm xưa đều đã lấy vợ, lấy chồng. Tôi ghé thăm lại căn nhà nhỏ xưa, thầy vẫn ở đó sau từng ấy năm dẫu đã về hưu và vẫn nhận ra tôi dù thầy vừa trải qua cơn tai biến. Đọng lại trong cả tôi và thầy là những kỷ niệm đẹp. Hàn huyên hồi lâu, ra khỏi cửa định về thì tôi thấy một người đàn ông dẫn theo gia đình bước vào, đứa nhỏ chạy ào vào ôm lấy thầy gọi “Nội ơi!”... Tôi chợt nhớ lời người bạn đồng niên: “Thầy từng nói với mọi người, thầy sẽ ở đó cho tới lúc ra đi, vì thầy sợ học trò của thầy ở mọi nơi trở về không biết chỗ tìm thầy...”.