Người bị đục thủy tinh thể lại mắc đồng thời các tật bệnh khác về mắt như loạn thị, lão thị làm suy yếu thị lực, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và cuộc sống. Hiện có nhiều kỹ thuật nhãn khoa tiên tiến giúp bệnh nhân được chữa trị, phục hồi thị lực. Tại TP Cần Thơ, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Mắt Sài Gòn Cần Thơ đã thực hiện thường quy các phẫu thuật điều trị được đồng thời tình trạng đục thủy tinh thể và các tật loạn thị, lão thị, giúp cải thiện ánh sáng đôi mắt của rất nhiều bệnh nhân.
BS Trọng Đức kiểm tra các tật, bệnh về mắt cho bệnh nhân.
Trong 8 năm qua, BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ đã thực hiện hơn 46.000 ca phẫu thuật phaco điều trị người bệnh đục thủy tinh thể ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Ghi nhận của các bác sĩ, trong số bệnh nhân bị đục thủy tinh thể, nhiều người trước đó đã mắc các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị, liên quan đến lối sống thường xuyên tiếp xúc, sử dụng các thiết bị điện tử.
ThS.BS Nguyễn Trọng Đức, Phó Giám đốc chuyên môn BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ, cho biết: Thủy tinh thể là một bộ phận của mắt, đóng vai trò hội tụ ánh sáng vào trước võng mạc, giúp mắt nhìn thấy được hình ảnh. Khi còn trẻ, thủy tinh thể như một thấu kính trong suốt; càng lớn tuổi, thủy tinh thể bị đục dần theo thời gian. Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh lý này là nhìn mờ, mắt bị chói khi ra nơi có ánh sáng cường độ mạnh. Bệnh đục thủy tinh thể trong dân gian còn có có cách gọi khác là cườm đá, cườm khô, cũng có nơi gọi là cườm cứng. Trường hợp đục thủy tinh thể có chỉ định mổ khi thủy tinh thể đã đục nhiều, gây nhìn mờ, khiến bệnh nhân khó khăn trong việc đi lại, lái xe, đi cầu thang,… Qua kiểm tra, đánh giá thị lực, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định mổ cho bệnh nhân trong trường hợp cần thiết. Đối với bệnh nhân vừa đục thủy tinh thể, vừa có tật khúc xạ như loạn thị hay bị lão thị do tuổi tác, bác sĩ sẽ điều trị kết hợp các tật bệnh trong cuộc phẫu thuật, giúp bệnh nhân hồi phục thị lực và không cần phải đeo kính.
Hiện nay, tại BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ, các bác sĩ triển khai thường quy kỹ thuật đặt kính nội nhãn đa tiêu Toric để điều trị cho bệnh nhân đục thủy tinh thể có độ loạn thị và lão thị. Loại kính này giúp người bệnh nhìn tốt các vật ở gần, trung gian và tầm xa, đồng thời, điều chỉnh cả độ loạn. BV tiếp nhận thanh toán cho bệnh nhân có BHYT theo quy định.
Trong chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề Thấu kính Toric, giải pháp điều trị đục thủy tinh thể kèm độ loạn cao, BS Nguyễn Trọng Đức giải đáp nhiều thắc mắc của người bệnh về đục thủy tinh thể. Một người bệnh ở tỉnh Hậu Giang hỏi, tình trạng mắt nhìn nhòe, chói mắt kéo dài, chạy xe buổi tối hay bị chói, lóa mắt, có phải là do bệnh đục thủy tinh thể và có nên phẫu thuật 2 mắt cùng lúc. Theo BS Đức, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để bác sĩ thăm khám, kết hợp các kỹ thuật chuyên biệt nhãn khoa để xác định tình trạng, mức độ bệnh. Nếu như bệnh nhân thật sự bị đục thủy tinh thể có chỉ định phải mổ thì theo nguyên tắc trong phẫu thuật mắt được Bộ Y tế quy định, cần thực hiện lần lượt các cuộc mổ mỗi lần 1 bên mắt để đảm bảo an toàn thị lực và sức khỏe bệnh nhân. Bác sĩ giải thích thêm, mặc dù các bác sĩ BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ đã làm chủ các kỹ thuật một cách thuần thục, đảm bảo 99% khả năng thành công thì vẫn có tỷ lệ sai sót. Vì thế, nguyên tắc không thể cùng lúc mổ 2 mắt bệnh nhân trong 1 ngày.
Với thắc mắc về việc liệu có thể điều trị đục thủy tinh thể bằng thuốc uống hay thuốc nhỏ mắt theo một số quảng cáo trên mạng xã hội, các bác sĩ BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ cho rằng, một số loại thuốc có thể có tác dụng làm chậm tình trạng đục thủy tinh thể chứ không thể nào làm dừng hẳn quá trình này. Vì thế, bệnh nhân có chỉ định cần thiết phải phẫu thuật mới có thể hồi phục thị lực. Bác sĩ cũng khuyên, khi mắt có dấu hiệu nhìn mờ, thủy tinh thể đục có chỉ định mổ của bác sĩ thì người bệnh nên tin tưởng, tuân thủ chỉ định, hợp tác điều trị để giúp mắt có ánh sáng rõ trở lại.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG