Xưởng Quân giới Quân khu 9 còn có tên gọi là S201, được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 15-1-1976. Người dân TP Cần Thơ có dịp tìm hiểu rõ thêm về đơn vị quân đội anh hùng này qua triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Quân khu 9.
Khách tham quan khu trưng bày về Xưởng Quân giới Nam Bộ tại triển lãm.
Thiết thực chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024) và 79 năm Ngày truyền thống Lực lượng vũ trang Quân khu (10/12/1945-10/12/2024), Bảo tàng Quân khu 9 tổ chức triển lãm chuyên đề “Quân với dân một ý chí”. Triển lãm trưng bày hơn 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật và đầu sách giới thiệu quá trình ra đời, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, sẵn sàng hy sinh “vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân”. Trong đó, một trong những mảng nội dung thu hút khách tham quan là khu trưng bày về Xưởng Quân giới Quân khu 9 ngay trung tâm của triển lãm.
Theo thuyết minh của Bảo tàng Quân khu 9, ngày 15-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng. Các Công binh xưởng Quân giới Nam Bộ được tổ chức gọn nhẹ, khi cần có thể dễ dàng di chuyển bằng xuồng trên kinh rạch. Có khi chỉ là vài căn nhà lá trên bờ kinh, cụm mái lán giữa rừng U Minh hiểm trở, nên đối phương không thể tấn công bằng bộ binh mà dùng máy bay ném bom hoặc nhảy dù “chụp”. Với một ít máy móc cơ khí cũ và nguyên hóa liệu phế thải, người lính thợ đổ máu xương không chỉ từ quá trình mày mò chế tạo vũ khí, mà còn từ bom đạn đối phương và cuộc sống kham khổ. Chính nhờ sự hy sinh âm thầm đó mà chiến trường mới kịp thời có được vũ khí làm nên chiến thắng.
Mô hình về Xưởng Quân giới Nam Bộ ở Bảo tàng Quân khu 9.
Xưởng Quân giới Quân khu 9 chính thức được thành lập ngày 15-9-1960, có 23 đồng chí và 100kg dụng cụ đồ nghề. Đến năm 1975, Xưởng S201 có 10 phân xưởng, quân số trên 450 đồng chí và hơn 20 tấn dụng cụ đồ nghề, máy chuyên dùng tự nghiên cứu chế tạo. Xưởng có 1.820 sáng kiến cải tiến có giá trị làm tăng năng suất từ 150% đến 3.000%, sản xuất và sửa chữa 43 loại vũ khí, nghiên cứu chế tạo 25 loại máy chuyên dùng, hơn 100 loại khuôn dập khác nhau.
Trong đó, nhiều sáng kiến, chế tạo từ Xưởng S201 rất hiệu quả. Đáng kể như đạn SSAL (tầm đạn 350m, xuyên được thép cứng, bê tông) dùng đánh tàu, phá công sự, hầm ngầm; đạn SSAF (tầm đạn 700m) dùng để phá công sự, vật cản… Đặc biệt, việc chế tạo ra đạn pháo lăng-xà-bom (tầm đạn 350m, đường đạn cầu vòng) dùng để đánh đồn, tạo tiếng vang lớn. Sau đó, Xưởng còn cải tiến trái đạn găm xuống đất khi bắn, lúc nổ thì xới tung đồn bót và sản xuất thêm loại lăng-xà-bom lửa để đốt đồn. Nhiều loại vũ khí khác cũng lần lượt được sáng tạo, cải tiến cho ra đời với số lượng lớn như: mìn ĐH10 dùng phá vật cản, có thể quét sạch 3 lớp rào kẽm gai của địch, kể cả dọn sạch bãi mìn để bộ đội xung phong vào đồn. Bom, mìn hẹn giờ cải tiến từ bom lép của địch để đánh cầu, tàu, xe, kho tàng, trụ sở hay diệt trực tiếp những tên ác ôn. Rồi còn phải kể đến bê-ta, ba-zơ-min, bọc lôi thủy, súng và đạn B40, súng và đạn B50, bệ phóng cho nhiều loại đạn pháo... Với những thành tích xuất sắc đó, Xưởng S201 được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 15-1-1976.
Tham quan khu trưng bày, giới thiệu về Xưởng S201, nhiều khách tham cảm phục trước sự sáng tạo, tài ba và tinh thần quả cảm, hy sinh của các thế hệ cán bộ Xưởng. Chị Hoàng Thị Ánh Tuyết, khách tham quan, nói: “Dù hoạt động trong điều kiện thiếu thốn về phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại nhưng các cán bộ đã chế tạo, cải tiến nhiều loại vũ khí rất hiệu quả”.
Các hoạt động sửa chữa, chế tạo và cung cấp vũ khí của Xưởng S201 trong điều kiện gian khó nên chưa có quy mô và trình độ hiện đại, nhưng lại mang tính nhân dân sâu rộng, kịp thời đáp ứng những yêu cầu cấp thiết cho chiến trường. Đồng thời, tạo nền tảng vững chắc để ngành Quân giới phát triển, đáp ứng nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ bộ đội chiến đấu.
Khách tham quan có thể tìm hiểu thêm về đơn vị anh hùng này qua mô hình được trưng bày cố định tại Bảo tàng Quân khu 9.
Trong không khí chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tham quan và tìm hiểu về Xưởng Quân giới Nam Bộ để thêm tri ân và tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Bài, ảnh: DUY KHÔI