Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines (Công ty Phương Trang) đang tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của xe buýt, tăng tần suất hoạt động, sử dụng phương tiện đời mới, đổi mới phong cách phục vụ... Với những chuyển biến này, nhiều người bắt đầu có cách nhìn khác, chuyển dần thói quen sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng xe buýt công cộng. Đây cũng là mục tiêu hướng tới của thành phố nhằm góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) và hạn chế ùn tắc giao thông.
Nhân viên bán vé điện tử cho hành khách.
Thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, từ năm 2020 đến nay, Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ đã phối hợp với Công ty Phương Trang đầu tư 60 xe buýt chất lượng cao, đạt chuẩn khí thải Euro 4. Các phương tiện này đều được trang bị cửa lên xuống tự động, có lắp wifi, máy lạnh và công cụ hỗ trợ; có ghế ngồi dành cho người khuyết tật... Từ đó, thu hút ngày càng nhiều hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng này, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên.
Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị, thuộc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, từ ngày 31-12-2023 đến ngày 10-3-2024, Công ty Phương Trang hoạt động khai thác thêm các tuyến: Phong Điền - Thới Lai; Ba Láng (quận Cái Răng) - Khu công nghiệp - Ô Môn; Cần Thơ - Giai Xuân - Phong Điền và Phong Điền - Lộ tẻ Ba Se - Ô Môn, nâng tổng số tuyến toàn TP Cần Thơ đang khai thác là 10/11 tuyến xe buýt nội tỉnh không trợ giá. Tính đến nay có tổng cộng 1.544 điểm dừng đón, trả khách, trong đó có 106 nhà chờ, 1.434 trạm dừng và 4 trạm trung chuyển. Từ đầu năm đến nay, các phương tiện xe buýt đã thực hiện trên 106.960 chuyến, vận chuyển gần 770.560 lượt hành khách.
Tham gia trải nghiệm loại hình giao thông bằng xe buýt chạy tuyến Ba Láng - Ô Môn vào một chiều cuối tuần, chúng tôi ghi nhận hành khách rất đông, rải đều ở các trạm, nhất là học sinh, sinh viên và công nhân lao động tại Khu công nghiệp Trà Nóc. Em Trần Hoàng Nam, sinh viên năm 2, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: “Em đi xe buýt từ khi mới vào năm nhất đến nay. Nhà ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long nên em đi phà sang Bến đò Cô Bắc, phường Bình Thủy, rồi đón xe buýt đến trường. Học sinh, sinh viên đi xe buýt được hưởng giá ưu đãi chỉ 7.000 đồng/lượt trên tất cả các tuyến nên em tiết kiệm được chi phí, để dành tiền trang trải cho việc học”.
Hành khách sử dụng xe buýt công cộng trên tuyến Ba Láng - Ô Môn.
Ngoài chính sách ưu đãi cho học sinh, sinh viên, dịch vụ xe buýt công cộng còn có chính sách ưu đãi đối với người khuyết tật và người cao tuổi, tùy theo tuyến hành trình. Bà Thái Thị Thu Trang ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, chia sẻ: “Chồng tôi đang điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ. Hơn 1 tháng nay, tôi và các con thường xuyên đi từ Thốt Nốt đến Ninh Kiều để thay phiên nhau chăm sóc ông ấy, nên đã lựa chọn di chuyển bằng xe buýt, vừa an toàn, vừa không bị ảnh hưởng khói bụi, lại tránh được nắng, mưa, tiết kiệm được chi phí”.
Nhiều người sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển đều ghi nhận các lợi ích tích cực: tiết kiệm chi phí đầu tư của xã hội, cộng đồng; giảm ô nhiễm không khí; tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu; giảm tắc nghẽn giao thông; tăng tính di động, đi lại nhiều hơn; giải phóng thời gian điều khiển phương tiện cá nhân, có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi; an toàn; khuyến khích các thói quen lành mạnh và tiết kiệm tiền.
Theo ông Nguyễn Thanh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị, thuộc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, đơn vị sẽ tiếp tục liên hệ với Sở Giao thông vận tải các tỉnh: Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang về việc phối hợp tổ chức hoạt động các tuyến xe buýt liền kề trên địa bàn TP Cần Thơ tốt hơn. Đồng thời phối hợp với Công ty Phương Trang triển khai phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Ất Tỵ năm 2025…
Bài, ảnh: VŨ TRỌNG