22/12/2024 - 10:27

Đề phòng thiếu vitamin D vào mùa lạnh 

Bổ sung đầy đủ vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe xương khớp, cũng như giúp cải thiện sức đề kháng chống lại một số bệnh. Nhưng vào mùa lạnh, ánh nắng thường yếu hơn trong khi mọi người ở trong nhà nhiều hơn để giữ ấm cơ thể. Điều này dễ dẫn tới nguy cơ thiếu vitamin D do ít tiếp xúc ánh nắng.

Nhóm thực phẩm giàu vitamin D. Ảnh: Diataal

Chuyên gia dinh dưỡng Stephanie Schiff tại Bệnh viện Northwell Huntington (Mỹ) cho biết ngay cả khi có thói quen tắm nắng nghiêm túc, chúng ta cũng khó có thể bổ sung đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể chỉ bằng cách này. Hơn nữa, nếu không làm xét nghiệm máu, thì rất khó để xác định tình trạng thiếu vitamin D. Đáng lo ngại là một khi tình trạng thiếu vitamin D được phát hiện, thì rất có thể chúng ta đã bị thiếu “vitamin ánh nắng” trong thời gian dài. Để phòng tránh trường hợp đó, mọi người nên bổ sung thêm vitamin D khi nhận thấy những dấu hiệu điển hình dưới đây:

+ Đau xương khớp. Cơ thể cần vitamin D để hấp thụ canxi và phốt-pho, nên việc bổ sung không đủ “vitamin ánh nắng” dễ dẫn đến tình trạng loãng xương, tức là xương trở nên xốp và giòn hơn. Điều này không chỉ gây đau mà còn có thể khiến xương dễ gãy hơn. Vì vậy, những người cảm thấy thường xuyên đau xương khớp hoặc dễ gãy xương, đó có thể là “manh mối” cho thấy cơ thể đang thiếu vitamin D.

+ Yếu cơ, đau và co thắt cơ. Cảm giác đau cơ có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu vitamin D, cũng giống như tình trạng co giật cơ do hạ canxi, tức là co giật cơ ngẫu nhiên. Nhưng đây là một tình trạng khó phát hiện, vì co giật cơ có thể do nhiều nguyên nhân khác, chẳng hạn như do mất nước.

+ Vấn đề răng miệng. Thiếu vitamin D cũng kéo theo việc hấp thụ canxi ít hơn. Điều đó có thể dẫn tới tất cả các vấn đề về xương - bao gồm cả răng. Nếu cảm thấy răng bị sâu nhiều hơn, đặc biệt là trước đây chưa từng bị như vậy, thì đã đến lúc răng cần bổ sung thêm vitamin D ngay lập tức. Ngoài ra, người thiếu vitamin D cũng có thể gặp phải các vấn đề về răng miệng khác như bệnh nướu răng và viêm nướu.

+ Rụng tóc. Thiếu vitamin D còn liên quan đến một số loại rụng tóc, bao gồm rụng tóc telogen (rụng tóc do căng thẳng tinh thần), rụng tóc androgenetic (rụng tóc do di truyền, thường gặp ở nam giới) và rụng tóc từng mảng. Nếu cảm thấy tóc mình ngày càng thưa mỏng đi, hãy kiểm tra xem liệu mức vitamin D thấp có phải là nguyên nhân hay không.

+ Chán ăn, khó ngủ. Do vitamin D đóng vai trò điều chỉnh hoóc-môn kiểm soát chu kỳ ngủ/thức melatonin, nên thiếu vitamin cũng có thể gây khó ngủ. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vitamin D có liên quan đến hoóc-môn điều chỉnh sự thèm ăn leptin, vì vậy, không bổ sung đủ vitamin D có thể làm rối loạn các tín hiệu đói, dẫn tới việc bỏ bữa ăn.

Làm thế nào để tăng mức vitamin D trong cơ thể?

Theo khuyến cáo, lượng vitamin D cần bổ sung hằng ngày cho người từ 19-70 tuổi là 15mcg (600 IU) và người trên 70 tuổi là 20mcg (800 IU). Ngoài cố gắng tranh thủ phơi nắng sớm, chúng ta có thể dùng viên bổ sung vitamin D, nhưng chuyên gia Schiff khuyến khích nên hấp thụ vitamin D qua thực phẩm càng nhiều càng tốt.

Một số loại thực phẩm giàu vitamin D tự nhiên gồm: thịt bò, gan, cá, lòng đỏ trứng, phô mai. Còn một số sản phẩm được bổ sung vitamin D gồm ngũ cốc ăn sáng, sữa hạnh nhân, sữa đậu nành và sữa yến mạch. Lưu ý là nếu sử dụng viên uống bổ sung vitamin D, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, vì dùng quá nhiều dễ gây nhiễm độc vitamin D, với các dấu hiệu điển hình như buồn nôn, suy nhược cơ thể, đi tiểu nhiều và các vấn đề về thận.

AN NHIÊN (Theo Nypost.com)

Chia sẻ bài viết