24/12/2024 - 00:12

Ăn chiều quá muộn gây hại sức khỏe chuyển hóa 

Theo phát hiện mới công bố trên Tạp chí Nutrition & Diabetes, việc dùng bữa chiều sau 17 giờ có ảnh hưởng đáng kể đến quá trình chuyển hóa glucose, đặc biệt là ở người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 giai đoạn đầu hoặc tiền tiểu đường.

Ăn đêm dễ gây thừa cân và rối loạn chuyển hóa. Ảnh: Select Health

Để đưa ra cảnh báo trên, các chuyên gia đã phân loại 26 người tham gia từ 50-75 tuổi (bao gồm người bị thừa cân/béo phì, mắc tiền tiểu đường hoặc tiểu đường tuýp 2) thành 2 nhóm, gồm: “ăn sớm” - tiêu thụ phần lớn lượng calo hằng ngày trước 17 giờ và “ăn muộn” - dung nạp từ 45% lượng calo trở lên sau 17 giờ. Tuy cả 2 nhóm dung nạp một lượng calo và chất dinh dưỡng đa lượng hằng ngày như nhau, nhưng so với nhóm “ăn sớm”, nhóm “ăn muộn” tiêu thụ gần gấp đôi lượng calo sau 17 giờ, đồng thời cũng tiêu thụ lượng chất béo và tinh - bột đường (carb), đạm (prôtêin) và đường nhiều hơn.

Kết quả xét nghiệm dung nạp glucose đường uống cho thấy nhóm “ăn muộn” có mức đường huyết cao hơn đáng kể vào thời điểm 30 và 60 phút sau ăn, tức là họ có khả năng dung nạp glucose thấp hơn. Xu hướng này không thay đổi bất kể người tham gia có cân nặng, khối lượng mỡ, lượng calo tiêu thụ và thành phần trong chế độ ăn ra sao.

Theo Tiến sĩ Pouya Shafipour tại Trung tâm Y tế Providence Saint John (Mỹ), bữa ăn cuối cùng trong ngày nên là bữa ăn “nhẹ bụng” nhất. Do thời gian cơ thể chúng ta hoạt động tích cực nhất về mặt trao đổi chất là từ khoảng 10 giờ đến 16-17 giờ, nên mọi người cần hoàn thành các bữa ăn trong khung thời gian đó. Việc dùng bữa tối nhẹ hơn còn giúp cải thiện độ nhạy insulin, mang lại giấc ngủ chất lượng hơn.

ĐINH NHI (Theo Medicalnewstoday.com)

Chia sẻ bài viết