25/12/2024 - 10:39

Vận động người dân vùng ĐBSCL hiến mô, tạng cứu người 

Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam vừa thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại TP Cần Thơ. Đây là bước khởi đầu nhằm lan tỏa đến người dân vùng ĐBSCL về chương trình mang nhiều ý nghĩa nhân văn giữa việc một người không may chết đi có thể cứu sống nhiều sinh mạng ở lại. Chi hội ra đời là tiền đề để chuyên nghiệp hóa quy trình vận động và tiếp nhận hiến - ghép mô tạng ở các tỉnh miền Tây.

* Bức tranh hiến - ghép tạng thế giới và trong nước

Ngày 24-12, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức hội thảo Tăng cường công tác hiến ghép mô, tạng tại khu vực ĐBSCL. Lãnh đạo ngành Y tế và BV đa khoa, chuyên khoa các tỉnh ĐBSCL tham dự. Tại hội thảo, PGS.TS Thầy thuốc nhân dân Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Phó Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, Chủ tịch Hội phẫu thuật thần kinh Việt Nam, cho biết quá trình phát triển ngành ghép tạng của Việt Nam trong 32 năm qua có những bước tiến đáng kể. Các bác sĩ nước ta thực hiện ca ghép đầu tiên vào năm 1992, đến nay, đã thực hiện gần 9.300 ca ghép. Từ năm 2019 đến nay, nước ta thực hiện khoảng 1.000 ca ghép tạng mỗi năm, bằng tổng số ca ghép trong 20 năm đầu tiên triển khai. Kết quả này một phần nhờ vào sự ra đời của Trung tâm Điều phối và quan trọng hơn, là công tác truyền thông về người chết não hiến tạng cứu người cùng sự phối hợp của các BV trong công tác vận động, thực hiện hiến, ghép tạng. Trên bản đồ ghép tạng quốc gia, hiện có 28 BV thực hiện ghép tạng, tuy nhiên, năng lực và mức độ mỗi nơi mỗi khác. Một số ít BV thực hiện việc ghép tạng thường quy, khoảng 50 trường hợp mỗi năm; một số thỉnh thoảng thực hiện vài ca mỗi năm.

Ban Chấp hành Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại TP Cần Thơ ra mắt hội thảo.

Các chuyên gia nhận định, trên bản đồ ghép tạng thế giới, số lượng ca ghép của Việt Nam còn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Tính trung bình, nước ta có khoảng 10 ca ghép tạng/1 triệu dân/năm. Hiện có chưa tới 3.200 người bệnh Việt Nam đang trong danh sách chờ được ghép tạng so với tổng số 100 triệu dân của nước ta. Đối chiếu với Mỹ, số dân gấp 3,5 lần Việt Nam và danh sách chờ ghép của họ hiện là 100.000 ca. Mỗi năm, các bác sĩ Mỹ thực hiện được 42.000 ca ghép tạng. Mặc dù số lượng ghép nhiều như thế, nhưng theo các thống kê, cứ 6 phút lại có một người ghi tên vào danh sách chờ ghép và mỗi ngày có 17 người Mỹ chết vì không có tạng ghép. Ở Hàn Quốc, dân số bằng một nửa dân số Việt Nam, nhưng số người chờ ghép luôn trên 35.000 người và có hơn 5.000 ca ghép tạng mỗi năm, nhưng mỗi ngày vẫn có 5-6 người Hàn chết vì không có tạng ghép. 

Theo PGS Đồng Văn Hệ, số liệu về danh sách chờ ghép của nước ta chưa phản ánh đúng thực trạng nhu cầu người bệnh cần ghép tạng để điều trị. Vấn đề này có thể lý giải liên quan đến năng lực y tế từ BV các tuyến từ tỉnh đến huyện chẩn đoán hiệu quả đối tượng có nhu cầu được ghép để đưa vào khuyến cáo. Bên cạnh đó, quan niệm của người dân về việc điều trị bệnh bằng phương pháp ghép tạng là một dịch vụ y tế xa xỉ, với chi phí hàng trăm triệu đồng trong khi bảo hiểm y tế chưa thanh toán thì người bệnh không kham nổi.

Theo thống kê của BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, BV hiện quản lý và điều trị cho hơn 400 bệnh nhân suy thận mạn lọc máu định kỳ. Các khuyến cáo y tế chỉ ra rằng, người suy thận nằm trong nhóm 60-70% có chỉ định ghép tạng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo BV, đa phần người bệnh thuộc diện hoàn cảnh khó khăn. 

Và một bất cập khác trong vấn đề hiến - ghép tạng ở Việt Nam chính là tỷ lệ rất thấp số người chết não hiến tạng, chỉ khoảng 5% trong tổng số ca hiến. Từ 2010 đến 2022, trung bình mỗi năm chỉ có 3 ca chết não trên toàn quốc hiến tạng. Thực trạng này liên quan đến quan niệm của người Á Đông về việc chết toàn thây. Tuy nhiên ở nhiều nước châu Á, quan niệm này dần thay đổi. Tại Hàn Quốc, có từ 30-50% người hiến từ người cho chết não. Ở Thái Lan, tỷ lệ người hiến chết não cũng gần 80%. Ở Trung Quốc trước chỉ có 34 ca chết não mỗi năm hiến tạng trong tổng số 1 tỉ dân, nhưng từ năm 2018, nước bạn đã có rất nhiều chính sách về mặt vĩ mô của Nhà nước, ngành y tế giúp cải thiện đáng kể tình hình, đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc ghép tạng với hơn 7.000 ca mỗi năm.

 

* Thành tựu trong công tác ghép - hiến tạng

PGS.TS Thầy thuốc nhân dân Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia chia sẻ tín hiệu vui, trong năm 2024, với gần 1.000 ca ghép tạng ở nước ta thì có tới 11,23% trường hợp tạng hiến từ người cho chết não. Đây có thể xem là kỳ tích của công cuộc vận động hiến - ghép tạng. Theo PGS Hệ, bước đột phá này nhờ vai trò của Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tích cực kết nối, tranh thủ các cấp và vận động các nguồn lực, tạo nên phong trào hiến mô tạng sâu rộng trong cả nước.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội thảo.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, thời gian qua, Hội và Trung tâm điều phối ghép tạng phối hợp tổ chức nhiều hội thảo để tăng cường công tác hiến ghép, mô tạng trong cả nước. Gần đây, các tỉnh phía Bắc có sự chuyển biến tốt, khi nguồn tạng là người cho chết não đã tăng lên gấp 3 lần so với trung bình của các năm trước. Qua đó cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Bộ Y tế, các ban, bộ, ngành; đồng thời, là sự nỗ lực của hệ thống các BV, trung tâm điều phối ghép tạng. Trong năm qua, Hội cũng nỗ lực thành lập các chi hội trong cả nước. Đối với vùng ĐBSCL, Cần Thơ được xem là trung tâm y tế vùng, với hệ thống y tế phát triển. Vì vậy, Chi hội được thành lập tại Cần Thơ, đồng thời tổ chức hội thảo, cũng nhằm thúc đẩy hoạt động hiến và ghép tạng ở các tỉnh miền Tây. 

BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ với vai trò BV chuyên khoa cấp vùng, đã triển khai được kỹ thuật ghép tạng. Tuy nhiên, về vấn đề tham gia hệ thống vận động hiến - ghép tạng, BS CKII Nguyễn Minh Nghiêm, Phó Giám đốc BV có nhiều băn khoăn. Đó là vấn đề vận động người thân của bệnh nhân chết não tự nguyện hiến mô tạng cứu người; vấn đề hồi sức cho người chết não để đảm bảo các bộ phận tạng đảm bảo chất lượng để ghép cho bệnh nhân hiệu quả; quy trình xử trí khi có ca chết não hiến tạng và thực hiện ghép hoặc điều phối cho cơ sở y tế có người bệnh cần, danh sách bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng đang chờ được xem xét ghép tạng. Và một vấn đề không kém phần quan trọng là chi phí đối với việc can thiệp khi người bệnh hiến tạng sau khi chết não vì bảo hiểm y tế chưa chi trả cho phần này.

PGS Đồng Văn Hệ giải đáp các thắc mắc về quy trình vận động hiến tạng.

Tại hội thảo, PGS Đồng Văn Hệ lần lượt giải đáp các thắc mắc của lãnh đạo BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Đó cũng là những nội dung sẽ được tập huấn cho ngành y tế các địa phương liên quan công tác vận động hiến tạng. Theo BS Hệ, lần đầu tiên thực hiện quy trình sẽ lúng túng nhưng sau đó quen dần. Công tác này vì nghĩa cử cao đẹp, đã thực hiện thuần thục ở nhiều nơi, từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung, phía Bắc và được sự hỗ trợ của Trung tâm Điều phối. Về chi phí, mặc dù BHYT chưa quy định liên quan đến việc can thiệp cho người bệnh chết não hiến tạng nhưng đến nay cả nước đã có hơn 200 trường hợp tương tự và BHYT không truy xuất.  

Các chuyên gia cũng chia sẻ về các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả chương trình vận động hiến - ghép mô tạng từ bộ phận cơ thể người, nhất là cơ thể người chết não. Trong đó có 3 khía cạnh quan trọng, gồm: thay đổi luật; thay đổi ý thức, hành vi của cộng đồng và ngành y tế quyết tâm vì chương trình nhân văn này. Tại ĐBSCL, với mạng lưới BV đa khoa các tỉnh, nguồn tạng hiến từ người cho chết não do chấn thương, đột quỵ sẽ giúp cho nhiều người bệnh có cơ hội sống. Theo tính toán của các đề tài nghiên cứu khoa học từ thực tiễn, chi phí từ việc ghép tạng thấp hơn nhiều so với chi phí điều trị nội khoa các bệnh mạn tính. Thời gian tới, khi các quy định pháp luật thay đổi sẽ giúp ích cho ngành y tế và người bệnh có nhu cầu ghép tạng.

Theo PGS.TS.BS Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, chương trình vận động hiến mô, tạng từ cơ thể người góp phần thúc đẩy ngành y tế Cần Thơ và các tỉnh nâng cao năng lực chuyên môn và lan tỏa ý nghĩa nhân đạo. Vì lẽ đó, ngành y tế rất ủng hộ và tích cực hỗ trợ chương trình này. Dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2-2025, Sở Y tế TP Cần Thơ tiếp tục vận động cộng đồng đi bộ, kinh phí vận động được sẽ hỗ trợ cho các BV triển khai ghép tạng và bệnh nhân nghèo.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết