01/12/2024 - 08:09

Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS 

Năm 2024, chủ đề được Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) lựa chọn cho Ngày Thế giới phòng, chống AIDS là “Ðảm bảo nhân quyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe”. Hưởng ứng chủ đề trên, Việt Nam chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 là “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.

Bác sĩ phòng khám T.O.P, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ tư vấn khách hàng sử dụng PrEP.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, tính đến hết năm 2023, thế giới có khoảng 39,9 triệu người đang sống chung với HIV. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khoảng 6,7 triệu người đang sống chung với HIV.

Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990, ước tính hiện nay có khoảng 267.000 người đang sống chung với HIV. Ðến nay, tất cả tỉnh, thành phố; 99,4% quận, huyện và 96% xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS.

Trong 5 năm gần đây, mỗi năm cả nước ghi nhận 10.000-13.000 trường hợp nhiễm HIV. Trong 9 tháng đầu năm 2024 đã có 11.421 trường hợp nhiễm HIV được báo cáo, trong đó 82,9% là nam giới, những người ở độ tuổi 15-29 chiếm 40%. Lây nhiễm qua đường tình dục đã trở thành đường lây chính, chiếm 70,8% trường hợp nhiễm HIV. Khu vực Ðông Nam Bộ và ÐBSCL chiếm gần 70% số người nhiễm HIV mới phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2024.

Dịch HIV/AIDS còn tiếp tục là một thách thức lớn, đặc biệt trong các nhóm có nguy cơ cao như nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM đã tăng từ 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, “Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS” không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà có nghĩa là khi AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS là khi đạt được các tiêu chí sau: số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm. Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS thấp hơn 1/100.000 dân. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con thấp hơn 2%.

Trong những năm qua, mặc dù Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp can thiệp giảm tác hại nhưng dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng trong nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Ðây là những quần thể ẩn nên rất khó tiếp cận, khó triển khai các can thiệp cần thiết. Hơn nữa, hành vi nguy cơ của nhóm này rất phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, quan hệ tình dục tập thể… Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư còn thấp, đã và đang là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của cả người nhiễm HIV và các nhóm đích nguy cơ cao.

Các rào cản về tài chính và địa lý cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ của những nhóm đích nguy cơ cao. Nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% vào các dự án quốc tế, đặc biệt đối với các chương trình dự phòng mang tính then chốt (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP đang dựa hoàn toàn vào các dự án viện trợ). Hiện nay Quỹ Bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước chưa có căn cứ để chi trả cho dịch vụ can thiệp này. Thêm vào đó, quá trình chuyển giao tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS trước mắt cũng vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh lộ trình cắt giảm viện trợ nhanh và mạnh.

Chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” nhằm nhấn mạnh vai trò của nhân quyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. UNAIDS cho rằng việc đặt nhân quyền làm trọng tâm và huy động sự tham gia của cộng đồng sẽ giúp thế giới đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

Bộ trưởng Bộ Y tế Ðào Hồng Lan cho biết chủ đề của Tháng hành động phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng, bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết