05/12/2024 - 06:10

Dự báo bệnh sởi tiếp tục tăng thời gian tới 

(CTO) - Chiều 4-12, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh tổ chức họp trực tuyến tăng cường phòng chống dịch ở khu vực phía Nam. Tại điểm cầu Sở Y tế TP Cần Thơ, lãnh đạo Sở, các phòng chuyên môn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, bệnh viện... tham dự.

Điểm cầu Sở Y tế TP Cần Thơ. Ảnh: H.HOA

Theo báo cáo của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm 2024 đến ngày 24-11, khu vực phía Nam có 9 bệnh truyền nhiễm tăng so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể gồm: 16.503 ca bệnh sởi (tăng 56 lần so với cùng kỳ 2023), 7 ca tử vong; 85 ca mắc rubella, tăng 93,2%; 152 ca ho gà (cùng kỳ không có); viêm màng não do não mô cầu có 10 ca mắc, tăng 8 ca và có 1 ca tử vong; 23 ca bệnh dại, tăng 4 ca; 12 ca bệnh do liên cầu lợn ở người, tăng 8 ca; 2 ca cúm gia cầm ở người (cùng kỳ không có); 33 ca viêm não Nhật Bản, tăng 19 ca; 299 ca uốn ván, tăng 48%.

Đáng lo ngại là tình hình bệnh sởi. Số ca bệnh sởi ở nhóm 1-10 tuổi tiếp tục tăng. Theo khảo sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh với 51 trẻ bệnh sởi trong tuần 44 thì có 64% trẻ chưa tiêm vaccine sởi. Dự báo diễn biến bệnh sởi ở khu vực phía Nam còn tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Ghi nhận tại TP Cần Thơ đến hết tuần 43 là 633 ca sốt phát ban nghi sởi, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Trong đó 599 ca đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả 148 ca dương tính với sởi, 34 ca âm tính, còn lại 377 ca đang chờ kết quả xét nghiệm. Trong số ca bệnh sởi, 92,5% số ca mắc sởi chưa tiêm ngừa, không rõ tình trạng tiêm và chưa đủ tuổi tiêm ngừa.

Cán bộ y tế tiêm ngừa bệnh sởi cho trẻ. Ảnh: H.HOA

Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh Nguyễn Vũ Thượng cho biết: Ngành Y tế tiêm vaccine cho đối tượng dễ tiếp cận, ít nguy cơ, trong khi đối tượng khó tiếp cận, nguy cơ cao như trẻ em di biến động tiêm chưa tới. Vì vậy, ngoài chiến dịch tiêm chủng, cần có chiến lược tiếp cận đối tượng này để tiêm. Các địa phương không chờ Trung ương mà chủ động tập trung truyền thông ở các địa bàn nguy cơ, đối tượng nguy cơ. Đồng thời mời chuyên gia địa phương truyền thông cho người dân hiểu về bệnh. Ngoài ra, các địa phương không chờ kết quả xét nghiệm mà triển khai ngay các biện pháp phòng chống, nhất là các biện pháp phòng chống dịch ngay tại các nơi tập trung đông người như trường học, cơ sở y tế và triển khai tiêm vaccine nhanh, càng sớm càng tốt.  

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Vũ Trung cũng đề nghị các tỉnh, thành, các cơ sở y tế, các trung tâm kiểm soát bệnh tật khu vực phía Nam thực hiện tốt công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế về công tác phòng, chống bệnh sởi. Theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát, nhất là bệnh sởi; tăng cường giám sát tại các cửa khẩu. Các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cần tiếp tục huy động nguồn lực, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh sởi.

 H.HOA

Chia sẻ bài viết