(CTO) - Sáng 11-12, ngành Y tế phối hợp cùng ngành Giáo dục triển khai tiêm vaccine uốn ván - bạch hầu (Td) cho trẻ 7 tuổi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Cần Thơ.
Khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm.
Đợt tiêm chủng này có 256 điểm tiêm tại trường học và trạm y tế. Trong đó, có 173 điểm tiêm tại các trường tiểu học. Chiến dịch dự kiến tiêm hơn 14.000 liều vaccine Td.
Chiến dịch tiêm vaccine uốn ván - bạch hầu (Td) được thực hiện trong 3 ngày, từ 11 đến 13-12. Trong đó, ngày 11 và 12 tổ chức tiêm tại các trường tiểu học trên địa bàn. Cụ thể là tiêm chủng cho tất cả trẻ học lớp 2 năm học 2024-2025 (kể cả trẻ trên 7 tuổi đang học lớp 2). Ngày 13-12, tổ chức tiêm tại trạm y tế cho đối tượng là trẻ em không đi học và thực hiện tiêm vét.
Trẻ không cần tiêm trong đợt này gồm: trẻ dưới 7 tuổi; trẻ đã được tiêm đủ 5 mũi vaccine có chứa thành phần uốn ván, bạch hầu trong quá khứ; đã tiêm vaccine có thành phần uốn ván, bạch hầu trong vòng 1 tháng trước ngày tiêm.
Trước khi diễn ra chiến dịch, ngành Y tế phối hợp ngành giáo dục thành phố và các ban, ngành có liên quan rà soát, lập danh sách trẻ 7 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh uốn ván - bạch hầu. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ phối hợp Trung tâm Y tế quận/huyện tổ chức các đoàn giám sát trước, trong và sau chiến dịch.
Cán bộ y tế tiêm chủng cho trẻ tại Trường Tiểu học Kim Đồng, phường An Khánh, quận Ninh Kiều.
Ông Hà Minh Hùng, Phó Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch Y tế quốc tế, CDC Cần Thơ cho biết: Uốn ván và bạch hầu không phải là bệnh mới. Tuy nhiên, khi mắc bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề, thậm chí đe dọa tính mạng. Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Chiến dịch tiêm vaccine uốn ván - bạch hầu (Td) cho trẻ 7 tuổi nhằm giúp trẻ tăng đáp ứng miễn dịch phòng bệnh. Dù trẻ đã được tiêm đầy đủ trong chương trình Tiêm chủng mở rộng thì kháng thể cơ thể sẽ giảm dần theo thời gian. Ngoài ra, độ tuổi này, trẻ thường xuyên hoạt động trong môi trường học đường đông đúc, gặp gỡ nhiều người, chạy nhảy, vận động... Vì vậy, nguy cơ mắc các bệnh bạch hầu, uốn ván từ đó cũng cao hơn nên rất cần được tiêm nhắc lại.
Năm 2024, vaccine uốn ván - bạch hầu (Td) được Bộ Y tế triển khai trong chương trình Tiêm chủng mở rộng với chỉ tiêu tỷ lệ tiêm đạt trên hoặc bằng 90% cho trẻ 7 tuổi tại vùng triển khai.
Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đưa trẻ (từ 2 tháng đến 7 tuổi) thuộc đối tượng tiêm chủng mở rộng đi tiêm chủng các vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế.
Bài, ảnh: Thiên Thanh