Tại trưng bày chuyên đề “Vinh quang một chặng đường” đang diễn ra tại Bảo tàng TP Cần Thơ, nhiều hiện vật, hình ảnh khiến người xem xúc động. Ðó là những cảm xúc của lòng tri ân, của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Chiến sĩ, học sinh xem trưng bày chuyên đề.
“Nóp với giáo mang ngang vai. Nhưng thân trai nào kém oai hùng …”, lời bài hát “Nam Bộ kháng chiến” của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn qua gần 80 năm vẫn vang vọng trong trái tim hàng triệu người. Bài hát nhắc đến chiếc nóp, vật dụng quen thuộc với nhân dân và cán bộ, chiến sĩ từ thời kháng chiến chống Pháp. Do đó, khi xem hiện vật chiếc nóp được trưng bày, ký ức ùa về. Quân pháp gọi nóp là “màn Việt Minh” vì nóp theo quân ta trên dặm dài hành quân. Nóp có thể là túi đựng đồ, là cái mùng, là tấm mền đắp ấm. Nóp còn là tấm lòng hậu phương, của bao bà mẹ, người vợ trắng đêm giã bàng đươn đệm chằm nóp gửi ra tiền tuyến.
Người xem còn xem lại những hiện vật của Anh hùng liệt sĩ Ðoàn Văn Chia được tặng thưởng trong Ðại hội Anh hùng Quân giải phóng. Anh hùng Ðoàn Văn Chia là lính thợ công binh xưởng, thông minh, sáng tạo, phát minh và chế tạo nhiều loại vũ khí như chông, nỏ, mìn, lựu đạn, súng… phục vụ chiến đấu. Anh hùng Ðoàn Văn Chia còn nghiên cứu, tháo gỡ thành công các loại bom lép của địch, với lần lập thành tích vang dội: gỡ gần 40 quả bom bi chưa nổ, cải tiến thành 4 loại mìn gài và đạn súng cối để du kích đánh giặc. Ông còn cải tiến thành công bom bươm bướm của địch thành những quả lựu đạn chống bộ binh và mìn chống xe tăng địch có hiệu quả. Anh hùng Ðoàn Văn Chia hy sinh khi làm nhiệm vụ cải biên chất nổ vào năm 1969.
Và với nhiều người, khi đứng trước khu vực trưng bày hiện vật của Văn công Cần Thơ, cảm xúc rưng rưng trước câu chuyện của những người lính tay súng tay đàn. Họ đã dùng tiếng hát át tiếng bom, phục vụ hiệu quả cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Ðó là cây đàn violon của nữ nghệ sĩ trẻ quê Vĩnh Viễn, Long Mỹ - Dương Thị Loan Anh. Bà là diễn viên, kiêm nhạc công, giỏi nghề, xông xáo. Năm 1971, trong trận địch đổ quân bằng trực thăng đi ruồng bố tại xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, Cần Thơ, nữ nghệ sĩ vì muốn bảo vệ cây đàn nên đã tìm nơi cất giấu. Sau đó, trên đường trở về hầm trú ẩn thì trúng đạn và hy sinh. Ngoài ra còn có những cây đàn, vật dụng của nghệ sĩ Văn công Cần Thơ… Qua hơn nửa thế kỷ, những hiện vật ấy nằm yên trong Bảo tàng, trở thành hiện vật lịch sử, ghi dấu một thời gian lao mà anh dũng của Văn công đất Tây Ðô.
Hơn 150 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, gắn liền với truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 9, Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói chung, Lực lượng vũ trang nhân dân Cần Thơ nói riêng trong công cuộc chống giặc ngoại xâm và thực hiện nghĩa vụ quốc tế, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được trưng bày. Mỗi hiện vật là một câu chuyện, mỗi hình ảnh là một khoảnh khắc lịch sử. Qua đó, người xem hiểu hơn về truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam - “80 năm vinh quang một chặng đường”.
Bài, ảnh: DUY KHÔI