Cuộc khủng hoảng nạn đói toàn cầu đang trở nên trầm trọng hơn, với hàng triệu người phải chịu cảnh mất an ninh lương thực khi nguồn viện trợ từ các quốc gia giàu có giảm dần.
Người dân Palestine chờ nhận bữa ăn miễn phí tại thành phố Rafah ở phía Nam Gaza. Ảnh: AP
Năm 2024, Liên Hiệp Quốc (LHQ) giảm mức kêu gọi viện trợ từ 56 tỉ USD của năm 2023 xuống còn 46 tỉ USD, do “sự giảm sút lòng hảo tâm của các nhà tài trợ”. Hiện tổ chức này chỉ huy động được khoảng 46%. Trong đó, Mỹ đóng góp hơn 10 tỉ USD.
Đây là năm thứ hai liên tiếp LHQ không đạt mục tiêu vận động, dẫn tới cắt giảm mạnh khẩu phần lương thực và số người đủ điều kiện nhận viện trợ. Ví dụ, tại Syria, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) từng cung cấp thực phẩm cho 6 triệu người nhưng hiện chỉ hỗ trợ được 1 triệu người do thiếu tài chính.
Với tình hình ngân sách hiện nay, tổ chức đa phương lớn nhất thế giới cảnh báo chỉ khoảng 60% trong số 307 triệu người được nhận viện trợ nhân đạo vào năm 2025, đồng nghĩa có ít nhất 120 triệu người không có lương thực hoặc hỗ trợ thiết yếu khác. “Chúng tôi đang lấy từ những người đói để nuôi những người đang chết đói” - trợ lý giám đốc điều hành của WFP Rania Dagash-Kamara cho biết.
WFP thu hẹp nỗ lực cho thấy những thách thức lớn hơn mà LHQ đối mặt để giải quyết nạn đói ở các khu vực xung đột, bất ổn chính trị hoặc vùng đang hứng chịu thời tiết khắc nghiệt. Trong đó, vấn đề cam go nhất hiện nay là việc những nước đóng góp tài trợ chủ chốt bắt đầu cân nhắc lại quy trình nên cho ở đâu và bao nhiêu.
Theo hãng tin Reuters, Mỹ, Đức và Liên minh châu Âu là 3 nguồn đóng góp chính cho các chương trình nhân đạo của LHQ khi tài trợ 58% trong tổng số 170 tỉ USD mà cơ quan này nhận được để ứng phó các cuộc khủng hoảng từ năm 2020 đến nay. Đáng chú ý là Na Uy, quốc gia nhỏ bé ở Bắc Âu có tổng thu nhập quốc dân chưa bằng 2% so với Mỹ nhưng đứng thứ 7 trong số các chính phủ tài trợ hàng đầu. Những cường quốc khác gồm Trung Quốc, Nga và Ấn Độ cùng nhau đóng góp chưa đến 1%.
Nhưng thay đổi bối cảnh chính trị và hạn chế tài chính đang góp phần làm giảm viện trợ ở các nguồn đóng góp chủ chốt. Chẳng hạn như Đức, nước này sẽ có chính phủ mới sau cuộc bầu cử liên bang vào tháng 2 và chiến lược viện trợ có thể được quyết định từ thời điểm đó. Nhiều khả năng Berlin giảm 1 tỉ USD đóng góp vào năm 2025, sau khi đã cắt 500 triệu USD năm 2024 như một phần của chính sách thắt lưng buộc bụng.
Các tổ chức nhân đạo cũng đang theo dõi xem Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề xuất gì khi bắt đầu làm việc ở Nhà Trắng vào tháng 1-2025. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã tạm dừng một số khoản chi tiêu cho LHQ nhưng vẫn giữ nguyên ngân sách viện trợ. Tháng rồi, tỉ phú Elon Musk đánh tiếng rằng Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do ông làm đồng lãnh đạo sẽ xem xét viện trợ nước ngoài. Theo Reuters, Mỹ đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống nạn đói toàn cầu và 5 năm qua, Washington cung cấp 64,5 tỉ USD viện trợ nhân đạo - chiếm hơn 38% tổng số tiền LHQ nhận được.
MAI QUYÊN