Theo tuyên bố của Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm phiến quân Hồi giáo dẫn đầu cuộc tấn công lật đổ chính quyền Bashar al-Assad, thủ lĩnh lâm thời Ahmed al-Sharaa và những người đứng đầu các nhóm vũ trang đối lập vừa đạt được thỏa thuận về việc giải tán và sáp nhập các nhóm này vào Bộ Quốc phòng Syria.
Thủ lĩnh các nhóm vũ trang đối lập ở Syria trong cuộc họp hôm 24-12. Ảnh: Reuters
Tuy tuyên bố không nêu rõ nhóm nào được đưa vào thỏa thuận nhưng “không có nhóm nào không đồng ý” việc giải tán và sáp nhập nói trên. Riêng Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn đầu và đang kiểm soát khu vực Đông Bắc Syria không tham gia thỏa thuận.
Theo giới chuyên gia, động thái trên có thể giúp Syria tránh khỏi tình trạng hỗn loạn do các nhóm vũ trang đối lập gây ra, đồng thời giúp ông al-Sharaa “hiện thực hóa” lời hứa rằng tất cả vũ khí trong nước, gồm vũ khí do SDF nắm giữ, sẽ nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước. “Các nhóm vũ trang đối lập sẽ bị giải tán, các chiến binh sẽ phải chuẩn bị để gia nhập Bộ Quốc phòng và tuân thủ luật pháp” - ông al-Sharaa nhấn mạnh.
Thời gian qua, ông al-Sharaa đã tìm cách trấn an giới chức phương Tây đến thăm Syria rằng HTS sẽ không trả thù chế độ cũ cũng như không đàn áp bất kỳ nhóm tôn giáo thiểu số nào. Ông cũng tìm cách củng cố tính hợp pháp quốc tế của chính quyền mới, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế cũng như nỗ lực thu hút viện trợ và đầu tư để tái thiết Syria sau cuộc nội chiến kéo dài gần 14 năm.
Trong một diễn biến có liên quan, các tay súng SDF hôm 24-12 đã phát động cuộc phản công chống lại Quân đội Quốc gia Syria (SNA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn để giành lại khu vực gần biên giới phía Bắc giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Ruken Jamal, người phát ngôn Đơn vị bảo vệ phụ nữ trực thuộc SDF, cho biết các tay súng lực lượng này chỉ cách trung tâm thành phố Manbij hơn 11km. Bà cáo buộc Ankara cố gắng làm suy yếu ảnh hưởng của SDF trong các cuộc đàm phán về tương lai chính trị của Syria thông qua SNA. “Syria hiện đang trong giai đoạn mới. Các cuộc thảo luận về tương lai của đất nước đang diễn ra. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các cuộc tấn công để đánh lạc hướng chúng tôi và loại chúng tôi khỏi các cuộc đàm phán ở Damascus” - bà Jamal khẳng định.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24-12 đã công bố kế hoạch hỗ trợ Syria tái thiết cơ sở hạ tầng năng lượng và giao thông quan trọng. Theo đó, một phái đoàn từ Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đến Syria sớm nhất có thể để đánh giá cơ sở hạ tầng năng lượng, đồng thời đề xuất các giải pháp giải quyết khủng hoảng năng lượng ở quốc gia láng giềng. Ankara cũng sẽ nỗ lực phục hồi các trung tâm giao thông của Syria, bắt đầu bằng việc khôi phục hoạt động các sân bay ở Damascus và Aleppo, khôi phục tuyến đường sắt Hejaz lịch sử.
Kế hoạch trên được đưa ra 2 ngày sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan với nhà lãnh đạo trên thực tế tại Syria hiện nay là Ahmed al-Sharaa ở Damascus. Trong đó, Ngoại trưởng Fidan cam kết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hỗ trợ tái thiết cơ sở hạ tầng của Syria, tái cơ cấu các thể chế và hồi hương những người Syria tị nạn.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)