(CTO) - Từ khi thành lập vào năm 2013 đến nay, Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (SLCĐTS và SS) Cần Thơ thuộc Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ không ngừng phát triển, từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong công tác sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, sơ sinh cho vùng ĐBSCL. Trung tâm thực hiện đề án sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cho 12 tỉnh miền Tây đã góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu các bệnh, tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26-12, Báo Cần Thơ phỏng vấn BS CKII Nguyễn Xuân Thảo, Giám đốc Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh Cần Thơ (gọi tắt là Trung tâm) về những thành tựu nổi bật của Trung tâm, góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng ĐBSCL.
Lấy máu gót chân sàng lọc các bệnh lý nguy hiểm cho trẻ sơ sinh tại BV Phụ sản TP Cần Thơ. Ảnh: BV.
► Thưa bác sĩ, những kết quả nổi bật của Trung tâm trong công tác SLCĐTS và SS năm 2024 là gì?
- Đối với SLCĐTS, Trung tâm áp dụng các phương pháp sàng lọc tiên tiến, bao gồm các xét nghiệm sàng lọc máu mẹ, siêu âm và các xét nghiệm chẩn đoán để phát hiện các bệnh lý như: Thalassemia, hội chứng Down, hội chứng Edward, hội chứng Patau cũng như các bất thường về số lượng, cấu trúc nhiễm sắc thể. Bên cạnh đó, Trung tâm tăng cường công tác tư vấn cho thai phụ khi có kết quả sàng lọc bất thường thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cho thai.
Kết quả năm 2024 ghi nhận: Hơn 34.500 thai phụ khám thai tại BV. Trong đó, số thai phụ thực hiện sàng lọc trước sinh 3 tháng đầu thai kỳ hơn 3.300 thai phụ, đạt 97% tổng số thai phụ khám thai 3 tháng đầu thai kỳ. Tổng số thực hiện sàng lọc trước sinh do các tỉnh trong vùng gửi mẫu về Trung tâm gần 4.200 trường hợp. Qua sàng lọc, phát hiện 835 trường hợp nguy cơ cao, chiếm 4,8% số thai phụ sàng lọc. Những trường hợp dị tật nặng, không thể điều trị được sau sinh, Hội đồng chuyên môn hội chẩn, chấm dứt thai kỳ 102 trường hợp.
Còn đối với sàng lọc sau sinh, năm 2024 có hơn 53.500 trẻ được được sàng lọc tại BV và các tỉnh trong vùng gửi mẫu về Trung tâm. Trong đó, sàng lọc sau sinh nội viện cho khoảng 12.000 trẻ (đối với các bệnh thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh), phát hiện 100 trẻ mắc bệnh (chiếm tỉ lệ 0.85%) và 39 trường hợp có kết quả bất thường khi sàng lọc bệnh tim bẩm sinh và khiếm thính. Sàng lọc sau sinh miễn phí 2 bệnh thiếu men G6PD và suy giáp trạng bẩm sinh theo chương trình mục tiêu quốc gia cho 1.320 trẻ, phát hiện 54 trẻ có nguy cơ cao. Sàng lọc sau sinh xã hội hóa do 12 tỉnh gửi mẫu về trung tâm: 40.538 trẻ, phát hiện 233 trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, Trung tâm chú trong công tác đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế. Trung tâm tổ chức nhiều lớp tập huấn tại BV về kỹ thuật chọc ối và tư vấn tiền sản, siêu âm hình thái thai, tầm soát bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia, sàng lọc sau sinh… Đồng thời, Trung tâm cũng mở nhiều lớp tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho BV sản nhi các tỉnh.
Năm 2024, Trung tâm đã cử ê-kíp bác sĩ đào tạo về lĩnh vực can thiệp bào thai. Mỗi năm nước ta có khoảng 1,6 triệu trẻ sơ sinh ra đời, trong đó khoảng 2% trẻ có vấn đề về sức khoẻ hoặc dị tật bẩm sinh ở những mức độ khác nhau. Nếu như trước đây, thai nhi mắc một số hội chứng như: Truyền máu song thai, dải xơ buồng ối, song thai không tim, đa ối, thiểu ối… có thể dẫn đến nguy cơ thai nhi bị dị tật hoặc chết lưu thì nay bác sĩ có thể can thiệp vào buồng ối để điều trị bất thường.
Lãnh đạo BV và Trung tâm giám sát công tác SLTS và SS năm 2024 tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: BV.
► Trong hơn một thập kỷ đảm đương công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho 12 tỉnh, thành ĐBSCL, bác sĩ chia sẻ những kỳ vọng về sự phát triển của Trung tâm thời gian tới?
- Trung tâm được thành lập ngày 2-7-2013 và được Cục Dân số - Bộ Y tế giao phụ trách công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho 12 tỉnh, thành ĐBSCL vào năm 2014. Những ngày đầu thành lập, Trung tâm gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và nhân lực nhưng không ngừng nỗ lực hoàn thiện và phát triển. Năm 2015, UBND TP Cần Thơ đầu tư hơn 14 tỉ đồng xây dựng Trung tâm. Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy Trung tâm đã mở rộng quy mô, được đầu tư nhiều trang thiết bị tiên tiến, như máy siêu âm 4D, máy xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán… Dự kiến năm 2025 sẽ đầu tư thêm các trang thiết bị như: máy MRI, hệ thống xét nghiệm NIPT, hệ thống xét nghiệm Micro-array… Bên cạnh đó, Trung tâm có đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực SLCĐTS và SS, thường xuyên được đào tạo, cập nhật kiến thức mới nhất, đáp ứng được vai trò trung tâm vùng trong công tác SLCĐTS và SS. Điều này giúp Trung tâm nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Những dấu ấn nổi bật có thể kể đến là từ năm 2020, Trung tâm triển khai xét nghiệm rối loạn chuyển hóa bẩm sinh và là đơn vị y tế đầu tiên ở phía Nam thực hiện sàng lọc, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý rối loạn chuyển hóa bẩm sinh. Trung tâm đã đáp ứng sàng lọc đầy đủ 5 mặt bệnh sàng lọc sơ sinh theo quy định của Bộ Y tế, trong đó có sàng lọc tim, khiếm thính bẩm sinh ngay từ những ngày đầu thành lập.
Đoàn giám sát của Trung tâm kiểm tra công tác quản lý các trường hợp nguy cơ cao tại các tỉnh ĐBSCL.
Trung tâm khẳng định vai trò đầu tàu trong quá trình đảm đương Đề án SLCĐTS và SS cho 12 tỉnh, thành ĐBSCL. Trung tâm phối hợp với các cơ sở y tế, BV tỉnh triển khai mở rộng sàng lọc cho các thai phụ và trẻ sơ sinh trong vùng. Đồng thời, xây dựng mạng lưới hợp tác chặt chẽ với các đơn vị sản khoa và cơ sở y tế của 12 tỉnh, thành trong khu vực. Các chương trình sàng lọc và chẩn đoán được thực hiện đồng bộ, giúp phát hiện sớm các bất thường và bệnh lý cho thai nhi và trẻ sơ sinh, từ đó đưa ra các phương pháp chẩn đoán, can thiệp kịp thời. Hằng năm, Trung tâm đều tổ chức những đợt giám sát các tỉnh về công tác SLCĐTS và SS. Nhờ đó, nắm bắt được những thuận lợi và khó khăn, kịp thời hỗ trợ các tỉnh cập nhật kiến thức chuyên môn, chuẩn hóa quy trình, truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, phối hợp với các trung tâm sàng lọc cả nước, mở rộng hợp tác cùng các tổ chức nước ngoài như tổ chức MEET Hoa Kỳ, Viện trường Rouen Pháp… Định kỳ mỗi năm, Trung tâm đều tổ chức hội thảo về SLCĐTS và SS. Bên cạnh đó, Trung tâm còn xây dựng quy trình hội chẩn trực tuyến từ xa, giúp kết nối các cơ sở y tế địa phương với các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành để giải quyết các vấn đề khó, phức tạp trong quá trình sàng lọc và chẩn đoán, đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến dưới.
Thông qua các chương trình sàng lọc, đào tạo và chỉ đạo tuyến, Trung tâm từng bước giúp các tỉnh trong vùng thực hiện tốt công tác SLCĐTS và SS, giảm thiểu các trường hợp dị tật, bệnh lý bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng ĐBSCL.
► Cảm ơn bác sĩ!
THU SƯƠNG (thực hiện)