Các nhà ngoại giao hàng đầu của khu vực đã đến Syria ngày 23-12, trong bối cảnh thế giới Arab tìm cách đưa quốc gia Trung Ðông trở lại quỹ đạo sau nhiều năm bị cô lập dưới thời Tổng thống Bashar al-Assad.
Thủ lĩnh nhóm HTS Sharaa (phải) tiếp đón Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi tại Damascus ngày 23-12. Ảnh: AFP
Tại cuộc gặp với ông Ahmed al-Sharaa - thủ lĩnh nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu lực lượng đang nắm quyền ở Syria, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Syria tái thiết. Hai bên cũng nhất trí hợp tác để chống khủng bố, nạn buôn ma túy và vũ khí từ Syria sang Jordan. Jordan giáp Syria ở phía Nam và có gần 620.000 người Syria đang tị nạn ở nước này.
Vài giờ sau, Ngoại trưởng Qatar Mohammed Al-Khulaifi cũng đến thủ đô Damascus và gặp giới lãnh đạo mới của Syria. Ðây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một quan chức Qatar tới Syria sau hơn 13 năm. Phát biểu sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Qatar, ông Sharaa cho biết đã mời Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani sang thăm Syria.
Cũng trong ngày 23-12, phái đoàn Saudi Arabia gặp người đứng đầu chính quyền mới ở Damascus để thảo luận về tình hình Syria và vấn nạn ma túy tổng hợp.
Các chuyến thăm trên, diễn ra chỉ 2 tuần sau khi chính quyền Assad bị lật đổ, cho thấy các quốc gia Arab mong muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn với một đất nước từng bị coi là nguồn cơn bất ổn trong khu vực. Tại một hội nghị ở Jordan trong tháng này, các nhà ngoại giao hàng đầu của Arab tuyên bố sẽ “ủng hộ quá trình chuyển tiếp hòa bình” tại Syria.
Phần lớn các quốc gia Arab đã cắt đứt quan hệ với chính quyền Assad vì cuộc đàn áp đối với những người biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2011 trong Mùa xuân Arab, sự kiện châm ngòi cho nội chiến.
Cơ hội tái khởi động
Năm ngoái, Saudi Arabia đã khôi phục quan hệ với Syria và đóng vai trò quan trọng trong quá trình đưa Damascus trở lại Liên đoàn Arab, qua đó chấm dứt tình trạng bị cô lập trong khu vực. Tuy nhiên, chiến lược này đã không mang lại hiệu quả. Giờ đây, các quốc gia Arab đang nắm bắt cơ hội để tái khởi động với giới lãnh đạo mới ở Syria.
Ban đầu, họ lo ngại vì ông Sharaa từng có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda, một nhân tố gây bất ổn ở thế giới Arab và phương Tây. Nhưng việc vị này liên tục khẳng định chính phủ của ông sẽ mang tính bao trùm và tôn trọng nhiều nhóm tôn giáo và dân tộc của đất nước, đã được đón nhận nồng nhiệt.
Giới phân tích đánh giá cuộc đổ bộ của các phái đoàn Arab phản ánh tiềm năng thay đổi sâu sắc trong các liên minh khu vực. Mặc dù Syria là đất nước người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số (giống như hầu hết các quốc gia Arab), chính quyền Assad từ lâu đã đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ ảnh hưởng khu vực của Iran, quốc gia có dân số chủ yếu theo dòng Shiite. Các nước Arab nhận thấy cơ hội để thay đổi động lực đó.
“Các quốc gia Arab đã dốc sức đưa Syria trở lại cộng đồng người Arab trong 45 năm qua, kể từ Chiến tranh Iran - Iraq. Không có gì ngạc nhiên khi Qatar đang dẫn đầu nỗ lực này”, Paul Salem, chuyên gia tại Viện Trung Ðông (Mỹ), nhận định.
Qatar là một trong số ít quốc gia Arab từ chối hòa giải với ông Assad, vì vậy chuyến thăm của Ngoại trưởng Al-Khulaifi, một trong những nhà ngoại giao hàng đầu của nước này, là tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ chính phủ mới. Tại cuộc họp báo hôm 23-12, ông Al-Khulaifi nêu rõ “Syria và người dân cần được hỗ trợ trong giai đoạn then chốt này”.
Ðáp lại, ông Sharaa nhấn mạnh sự hỗ trợ liên tục của Qatar dành cho người dân Syria trong suốt cuộc nội chiến và cảm ơn Qatar vì sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, cảng biển và sân bay của Syria.
Trước đó vài ngày, Qatar đã chính thức mở lại Ðại sứ quán tại Damascus, 13 năm sau khi đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao này do xung đột bùng phát ở Syria.
Không trực tiếp đến Damascus, Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Abdullah bin Zayed đã trao đổi qua điện thoại với tân Ngoại trưởng Syria Asaad Hassan al-Shibani. Trong cuộc điện đàm, ông Bin Zayed nhấn mạnh “lập trường ủng hộ” của UAE đối với “giai đoạn chuyển tiếp toàn diện và bao trùm”.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)