06/06/2012 - 21:46

Áp lực nặng nề

Áp lực giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính tại Khu vực đồng euro (Eurozone) đang trở nên vô cùng cấp thiết và nặng nề hơn khi Bộ trưởng Ngân khố Tây Ban Nha Cristobal Montoro vừa thừa nhận nước này đã mất khả năng tiếp cận thị trường tín dụng vì lãi suất quá cao có thể khiến nền kinh tế lớn thứ tư của khu vực lâm vào phá sản như Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha. Ông Montoro kêu gọi các cơ quan chức năng châu Âu hỗ trợ tài chính cứu hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha.

Một nguồn tin cấp cao ẩn danh trong nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G-7) cho biết Đức - nền kinh tế lớn nhất của Eurozone, đã thúc giục giới lãnh đạo Tây Ban Nha chấp nhận viện trợ của nước ngoài để giúp tái cấp vốn cho các ngân hàng “đang lên cơn sốt”. Trước đây, Madrid đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ khả năng này, cho rằng họ đủ sức hỗ trợ các ngân hàng nước nhà.

Theo giới phân tích tài chính, Tây Ban Nha cần vốn không chỉ để ứng cứu hệ thống ngân hàng, mà cả cho ngân khố quốc gia. Nhóm tư vấn dịch vụ tài chính và ngân hàng UBS tại Mỹ đánh giá hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha có thể cần số tiền mặt lên đến 120 tỉ euro. Các nhà kinh tế ở ngân hàng JP Morgan (Mỹ) thì cho rằng Madrid sẽ cần gói cứu trợ lên tới 350 tỉ euro, trong đó có 75 tỉ euro bơm cho hệ thống ngân hàng đang vật vờ tồn tại.

Trước tình thế đó, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng G-7 trong hội nghị từ xa hôm 5-6 cam kết tiếp tục theo dõi sát sao cuộc khủng hoảng nợ đang lan nhanh ở Eurozone. Các nhà lãnh đạo tài chính G-7 tuyên bố ủng hộ Eurozone thiết lập “liên minh tài khóa” như là phương cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ mà họ nhận định là có thể “hủy diệt” đồng euro.

Hội nghị từ xa nói trên được mô tả là “phiên họp kiểm tra” trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) tại Mexico ngày 18 và 19-6 tới. Tuy nhiên, G-7 vẫn chưa thể đưa ra biện pháp cụ thể gì để giúp Eurozone trở nên mạnh mẽ và gắn kết như cam kết của hội nghị thượng đỉnh G-8 tại Mỹ hồi tháng 5. Ngược lại, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Canada Stephen Harper và Thủ tướng Anh Divid Cameron vừa đồng thanh kêu gọi Eurozone phải thực hiện kế hoạch “tự cứu lấy mình”.

Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) chỉ có thể nhóm họp vào cuối tháng này mà tính cấp bách lại đang đè nặng khiến dư luận không khỏi lo âu cho tương lai đồng euro.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết