02/12/2021 - 08:07

Anh xác định bốn “đại nguy cơ” 

Trong mắt tình báo Anh thì Trung Quốc, Nga, Iran và chủ nghĩa khủng bố quốc tế đại diện cho các mối đe dọa lớn về an ninh mà nước này đang đối mặt.

Ưu tiên số một

Ảnh: AP

Ảnh: AP

Phát biểu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Luân Đôn, Giám đốc Cục Tình báo mật (MI6) Richard Moore (ảnh) xác định Trung Quốc “độc đoán” và không chia sẻ các giá trị với phương Tây, đặc biệt thái độ ngày càng cứng rắn của nước này được biện minh trên cơ sở an ninh quốc gia đã đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định toàn cầu. Bắc Kinh còn bị cáo buộc luôn tìm cách bóp méo sự thật vì mục đích chính trị; thường xuyên triển khai các hoạt động gián điệp quy mô lớn chống lại Anh và các quốc gia đồng minh; dùng “bẫy nợ” để tăng ảnh hưởng và thúc đẩy xuất khẩu công nghệ để xây dựng mạng lưới kiểm soát dữ liệu toàn cầu.

Vì lẽ này, ông Moore cho biết vấn đề liên quan Trung Quốc đang trở thành ưu tiên hàng đầu của cộng đồng tình báo Anh, phù hợp sách lược ngày càng quyết đoán của các nhà lãnh đạo xứ sương mù nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia. Trong cảnh báo đặc biệt, người đứng đầu MI6 lưu ý nguy cơ hiện hữu từ việc Bắc Kinh “tính toán sai lầm” do quá tự tin có thể châm ngòi chiến tranh.

Mối đe dọa cấp bách

Giám đốc Moore cho biết Anh tiếp tục đối mặt “mối đe dọa khẩn cấp” từ Nga. Trong đó, vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc ở Anh vào năm 2018 được lấy làm dẫn chứng cho cái gọi là nỗ lực của Mát-xcơ-va tài trợ hoạt động ám sát, ngoài ra còn các cuộc tấn công mạng và can thiệp quy trình dân chủ của nước khác. “Chúng tôi cùng với đồng minh, đối tác phải đứng lên ngăn chặn hoạt động đi ngược quy tắc quốc tế của Nga” - ông Moore nói rõ. Đây cũng là cảnh báo mới nhất từ ​​một quan chức cấp cao Anh trong bối cảnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang gây sức ép nhằm ngăn Mát-xcơ-va “can thiệp” sâu hơn vào Ukraine. 

Về Iran, ông Moore cảnh báo Tehran đặt ra thách thức nghiêm trọng khi sử dụng đòn chính trị và lực lượng ủy nhiệm như phong trào vũ trang Hezbollah để kích động bất ổn ở những nước láng giềng.

Bài phát biểu cũng đề cập mối đe dọa phi nhà nước, trong đó chỉ ra rủi ro mà thế giới phải đối mặt ngày càng lớn khi sự sụp đổ của Chính phủ Afghanistan được quốc tế hậu thuẫn và sự trở lại nắm quyền của Taliban là “động lực” đối với các phần tử cực đoan; đây cũng là “món quà” cho Nga, Iran và Trung Quốc muốn thay Mỹ cùng phương Tây hiện diện ở khu vực.

Bắt kịp thay đổi

MI6 vốn hoạt động bí mật, thậm chí Chính phủ Anh đến năm 1992 vẫn từ chối xác nhận sự tồn tại của cơ quan này. Nhưng những năm gần đây, tổ chức trên đã cởi mở hơn khi các nhà lãnh đạo nhận ra sự ủng hộ từ công chúng cũng là một phần của công việc.

Trong bối cảnh bất ổn như hiện nay, Giám đốc MI6 nói rằng đã đến lúc các điệp viên Anh hợp tác hơn thay vì khép kín với khu vực tư nhân. Đặc biệt về mảng công nghệ, ông Moore cho biết các đối thủ ngày càng tham vọng khi đổ tiền vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và sinh học tổng hợp vì họ biết một khi làm chủ những công nghệ này sẽ tạo ra đòn bẩy quyền lực nhiều hơn bao giờ hết. Để chiến thắng trong cuộc chạy đua vũ trang an ninh mạng, ông Moore xác định cộng đồng tình báo Anh cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ các hãng công nghệ nhằm nâng cao năng lực, giải quyết những mối quan tâm lớn nhất về an ninh.

MAI QUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết