20/11/2018 - 09:56

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Saudi Arabia ở Đông Nam Á 

Vụ nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị sát hại bên trong lãnh sự quán nước này tại Thổ Nhĩ Kỳ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao của Riyadh với các nước, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á với đa số người Hồi giáo như Malaysia và Indonesia.

Theo tờ The Nation, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad mới đây đã lệnh đóng cửa Trung tâm Hòa bình Quốc tế Vua Salman (KSCIP), đồng thời yêu cầu Malaysia rút quân ra khỏi liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu nhằm chống lại phiến quân Houthi ở Yemen. Tại Indonesia, ngoài vụ ký giả Khashoggi, người dân nước này còn phản đối việc Riyadh hành quyết nữ công dân Indonesia Tuti Tursilawati mà không đưa ra bất kỳ thông báo nào cho Jakarta.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) tiếp Quốc vương Saudi Arabia Salman (phải) hồi năm ngoái. Ảnh: AP

Dẫu vậy, ảnh hưởng về mặt tiền bạc và tư tưởng của Saudi Arabia tại các nước trên hiện vẫn còn rất lớn. Tầm ảnh hưởng của Saudi Arabia tại Malaysia được vun bồi nhờ khoản đóng góp 680 triệu USD cho nước này dưới thời cựu Thủ tướng Najib Razak. Giai đoạn đó, Saudi Arabia đã mạnh tay đầu tư vào Công ty Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas) cũng như tham gia các dự án xây dựng nhà máy lọc dầu, đồng thời bỏ vốn xây dựng KSCIP.

Saudi Arabia cũng đã ra sức quyên góp cho các trường học tại Malaysia để giúp truyền bá tư tưởng của họ. Theo đó, nhiều học bổng đã được trao cho các nghiên cứu sinh để có thể theo học tại các trường đại học của Saudi Arabia như Đại học Hồi giáo Madinah vốn nổi tiếng với thuyết Salafi, một học thuyết Hồi giáo cực đoan của dòng Sunni. Trong khi đó, Đại học Khoa học Hồi giáo Malaysia  cũng nhận được nguồn tài trợ hào phóng từ Saudi Arabia. 

Gần đây, Riyadh được cho đã triển khai một cuộc “tấn công quyến rũ” đối với  Kuala Lumpur. Cụ thể, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir hồi tháng rồi đã đến thăm Malaysia để thảo luận các vấn đề như số lượng công dân Malaysia tham dự lễ hành hương Haji. Giới lãnh đạo Saudi Arabia cũng trấn an chính phủ mới của Malaysia rằng họ không có ác ý gì khi ủng hộ ông Najib.

Còn tại Indonesia, Saudi Arabia bắt đầu tài trợ cho quốc gia này từ những năm 1980. Bằng nguồn vốn của Saudi Arabia, Indonesia đã thành lập Viện Nghiên cứu đạo Hồi và A-rập (LIPIA).  Tại đây, sinh viên được học tư tưởng Imam Muhammad bin Abdul Wahhab, người sáng lập chủ nghĩa Wahhabi. The Nation cho biết, LIPIA có quan hệ mật thiết với Đại học Hồi giáo Imam Muhammad Ibn Saud ở Riyadh và hiện được xem là chi nhánh của trường đại học này ở Indonesia. Ngoài ra, Saudi Arabia cũng tài trợ cho nghiên cứu sinh Indonesia tham gia các nghiên cứu về Hồi giáo tại Đại học Hồi giáo Madinah. Năm 2017, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud đã đến thăm Jakarta, tuyên bố cấp 13 tỉ USD cho các lĩnh vực kinh doanh, giáo dục và tôn giáo ở Indonesia. Tờ The Diplomat tiết lộ, Indonesia mới đây đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Saudi Arabia.

Được biết, Saudi Arabia không chỉ “xuất khẩu” chủ nghĩa Wahhabi mà còn khuyến khích những người theo chủ nghĩa này tham gia chính trị ở Indonesia và Malaysia. Hiện các chính trị gia theo chủ nghĩa Wahhabi và Salafi ngày càng có ảnh hưởng trên chính trường hai quốc gia này. 

Đức cấm nhập cảnh 18 quan chức Saudi Arabia liên quan vụ sát hại nhà báo Khashoggi

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 19-11 cho biết nước này đã quyết định cấm nhập cảnh đối với 18 quan chức nhà nước Saudi Arabia liên quan tới vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại.
Phát biểu bên lề hội nghị ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Maas cho rằng các quan chức Saudi Arabia nêu trên nhiều khả năng liên quan tới vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Berlin sẽ ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia liên quan tới vụ nhà báo Khashoggi. Thủ tướng Đức cho biết EU có thể đưa ra quyết định tập thể về việc ngừng bán vũ khí cho Riyadh sau vụ sát hại ông Khashoggi.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Saudi Arabia