Sau thông điệp cảnh báo của Thủ tướng Úc về nguy cơ "xung đột nước lớn trên Biển Đông", đại diện Anh mới đây lên tiếng cho biết nước này phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Tuyên bố trên được đại sứ Anh tại Philippines Asif Ahmad đưa ra sau khi giới chức Philippines hôm 18-1 cho biết họ nhận được "cảnh báo dọa nạt" từ Hải quân Trung Quốc trong lúc bay gần khu vực Đá Xubi mà Bắc Kinh đang cải tạo phi pháp thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vụ việc xảy ra hôm 7-1 khi máy bay Cessna chở giới chức Philippines trên đường tới khu vực đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng hiện do Manila kiểm soát) để tiến hành khảo sát kỹ thuật trước khi lắp đặt hệ thống theo dõi hàng không dân dụng vào cuối năm nay. Phi công Philippines khi đó đã phớt lờ cảnh báo của Trung Quốc bởi theo đại diện Cơ quan hàng không dân dụng Philippines Eric Apolonio, máy bay của họ là máy bay dân dụng. Tuy nhiên khi Trung Quốc phát đi cảnh báo khác, ông Apolonio lúc đó cho biết việc đe dọa qua vô tuyến khiến mọi người sợ hãi trước khả năng máy bay có thể bị bắn bất cứ lúc nào.

Căn cứ quân sự Trung Quốc xây dựng trái phép ở Đá Xubi. Ảnh: huanqiu.com
Lên tiếng về sự việc trên, đặc phái viên Anh tại Thủ đô Manila Asif Ahmad hôm 18-1 cho biết Luân Đôn phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Thậm chí vị này còn nhấn mạnh: "Nếu máy bay dân sự hoặc quân sự của Anh bị chặn hay bị cấm bay trong không phận mà chúng ta coi là quốc tế, chúng tôi sẽ phớt lờ những cảnh báo đó". Tuyên bố của đại sứ Anh khẳng định lập trường của nước này trước những tranh cãi về sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng quan ngại về những hành động ngang ngược của Trung Quốc mà giới chuyên gia quân sự coi là bước đầu trong ý đồ hạn chế quyền tự do hàng hải, hàng không gần những thực thể Bắc Kinh cải tạo phi pháp ở Trường Sa trong 2 năm qua.
Cùng với Mỹ, Nhật Bản và những nước có tranh chấp với Trung Quốc, chính quyền Thủ tướng Anh David Cameron trước đây cũng từng cảnh báo căng thẳng ở Biển Đông có nguy cơ đe dọa sự ổn định và tự do hàng hải khu vực. Đặc biệt sau sự kiện Bắc Kinh tiến hành bay thử nghiệm và hạ cánh trên đường băng xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập đầu tháng này, Anh đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế lưu thông trên biển và trên không ở Biển Đông đều đáng báo động. "Tự do hàng hải và hàng không là những vấn đề không thể thương lượng. Đó là tín hiệu cảnh báo mối đe dọa đối với chúng tôi" Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Philippines Albert del Rosario trong chuyến công du Manila hôm 8-1. Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng del Rosario còn bày tỏ quan ngại rằng những chuyến bay thử nghiệm mà Trung Quốc tiến hành có thể đặt nền móng cho việc Bắc Kinh đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, tương tự như đã làm trên Biển Hoa Đông vào cuối năm 2013.
MAI QUYÊN (Theo Guardian)