|
Cuộc họp của Ủy ban điều tra về cuộc chiến Iraq hôm 23-11. Ảnh: Reuters |
Cuộc điều tra được chờ đợi lâu nay về vai trò của Anh trong chiến tranh Iraq đã được khởi động hôm 24-11, và ngay lập tức nổi lên vấn đề rằng liệu chính phủ của cựu Thủ tướng Tony Blair có bị lôi kéo vào cuộc xung đột chỉ vì muốn làm hài lòng Mỹ hay không.
Câu hỏi trên là vấn đề chính trong ngày điều trần đầu tiên tại Luân Đôn. Từng nhân chứng, đa phần là quan chức cao cấp nghỉ hưu vốn có vai trò quan trọng trong việc tư vấn và thực hiện chính sách của chính phủ, được hỏi về cách thức mà họ đã ủng hộ hoặc phản đối chính sách chủ chiến do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George Bush đề xướng.
Cốt lõi trong các vấn đề được hỏi đó là làm thế nào Anh chuyển đổi từ chính sách “kiềm chế” đối với chính quyền của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein, thành chính sách thay đổi chế độ ở Baghdad. Một số người hoài nghi ông Blair đã bí mật cam kết với Washington rằng Luân Đôn ủng hộ kế hoạch lật đổ chính quyền Hussein từ hơn một năm trước khi Mỹ tấn công Iraq năm 2003. Peter Ricketts, cựu chủ tịch Ủy ban tình báo liên quân Anh, cho rằng các quan chức ở Luân Đôn biết thậm chí trước khi ông Bush lên nắm quyền năm 2001 rằng ở Washington một số người đã kêu gọi lật đổ ông Hussein. Tuy nhiên, ông cho biết chính sách của Anh khi đó là kiềm chế nhà lãnh đạo Iraq, chứ không phế truất ông ta. William Patey, cựu Đại sứ Anh tại Iraq, cũng cho rằng cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Condoleezza Rice và các nhân vật khác đã nói tới khả năng lật đổ ông Hussein trước vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Trong khi đó, tuyên bố công khai, ông Blair nói mục đích là để tránh chiến tranh bằng cách buộc ông Hussein từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Thế nhưng, sau cuộc tấn công, các nhà điều tra Mỹ phát hiện Iraq đã ngưng chương trình phát triển vũ khí từ nhiều năm trước đó.
Với Anh, cuộc chiến Iraq đã kết thúc khi binh sĩ Anh cuối cùng rời khỏi căn cứ ở thành phố Basra, miền Nam Iraq hồi tháng 7 vừa qua, sau 6 năm là đối tác chủ yếu của Mỹ với số binh sĩ tham chiến có lúc lên tới 46.000 người (179 binh sĩ thiệt mạng). Các nhà phân tích cho rằng, động thái cho điều tra việc Anh tham chiến ở Iraq của đương kim Thủ tướng Gordon Brown sau vài tuần rút quân là để hoàn thành lời hứa khi lên nắm quyền thay thế ông Blair hồi tháng 6-2007. Tuy nhiên, trong bối cảnh dư luận Anh đang chuyển sang chống chiến tranh mạnh mẽ mà ông Brown lại cam kết can dự quân sự sâu hơn ở Afghanistan (chuẩn bị tăng viện thêm 500 quân), họ cũng hoài nghi rằng cuộc điều tra trên chỉ là sự thanh minh của chính phủ Anh về chiến tranh.
N. MINH (Theo NYT, WSJ, Washingtonpost)