Trung Quốc hôm 27-3 thông báo áp đặt trừng phạt đối với 2 người Mỹ, 1 người Canada và một thực thể.
Trước đó, Bắc Kinh cũng đã áp đặt trừng phạt 10 cá nhân và 4 thực thể của Liên minh châu Âu (EU), với lý do những đối tượng này gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời tuyên truyền những thông tin không đúng sự thật. Ngoài ra, 4 thực thể và 9 cá nhân của Anh cũng bị áp lệnh trừng phạt vì vi phạm luật pháp quốc tế, các quy tắc cơ bản trong quan hệ ngoại giao, can thiệp thô bạo vào tình hình nội bộ Trung Quốc.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và người đồng cấp Iran Javad Zarif sau lễ ký thỏa thuận hợp tác. Ảnh: AFP
Trung Quốc tiến hành các bước đi trên sau khi Mỹ, Canada, Anh và EU hồi đầu tuần trước áp đặt trừng phạt với các cá nhân và thực thể Trung Quốc, trong đó có một thực thể nhà nước và 4 quan chức, với lý do quan ngại về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.
Cũng nằm trong mục tiêu trả đũa phương Tây mà nhất là Mỹ, Trung Quốc tuần qua còn hối hả tiến hành các hoạt động ngoại giao trong lẫn ngoài nước.
Trong khuôn khổ chuyến công du 6 nước Trung Ðông kéo dài một tuần của Ngoại trưởng Vương Nghị, Trung Quốc và Iran hôm 27-3 đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện có thời hạn lên tới 25 năm. Theo đó, Trung Quốc cam kết đầu tư 400 tỉ USD vào Iran trong vòng ¼ thế kỷ để đổi lấy việc bảo đảm nguồn cung dầu ổn định cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Với thỏa thuận này, Bắc Kinh chẳng những củng cố được ảnh hưởng tại Trung Ðông mà còn cùng với Tehran thách thức lệnh cấm vận của Washington.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cũng đang thăm 4 nước châu Âu trong thời gian một tuần. Mục tiêu của chuyến đi mang tính “giải độc”: Bảo vệ chính sách của Bắc Kinh đối với Tân Cương và “trấn an” rằng Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với châu Âu. Hungary, điểm đến đầu tiên trong chuyến công du của ông Ngụy, là quốc gia duy nhất trong số 27 thành viên EU tỏ ra “cảm thông” với Trung Quốc về vấn đề Tân Cương.
Cần nhắc lại là trước khi ông Ngụy khởi hành, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi các đồng minh châu Âu cùng hợp tác chống lại mối đe dọa từ một Trung Quốc “hung hăng và cưỡng bức”.
Trung Quốc tuần qua còn mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới thành phố Quế Lâm để hội đàm. Hai bên đã ra tuyên bố chung nhất trí “làm việc cùng nhau chống lại các lệnh trừng phạt” của phương Tây, đồng thời yêu cầu Mỹ nên dừng can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác. Theo ông Lavrov, việc Mỹ trừng phạt Nga và Trung Quốc là “không khôn ngoan”.
Không biết có phải ngẫu nhiên hay không mà ngay sau chuyến công du của ông Lavrov, Mỹ và EU đã ra tuyên bố chung, trong đó quyết định tái khởi động đối thoại song phương về vấn đề Trung Quốc và cam kết giải quyết các thách thức từ Nga. Ngoại trưởng Mỹ Blinken gọi Trung Quốc và Nga là “những mối đe dọa lớn nhất đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO)”.
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt, có thể trong thời gian tới, những màn “ăn miếng trả miếng” như vậy sẽ còn tiếp diễn.
QUỐC KHÁNH