18/05/2014 - 09:47

Ấn Độ trước cơ hội “trở mình”

Với chiến thắng lịch sử khi lần đầu tiên trong gần 30 năm qua một đảng đối lập đánh bại thảm hại đảng cầm quyền của "vương triều" Nehru-Gandhi, Thủ tướng sắp tới của Ấn Ðộ Narendra Modi (ảnh) và đảng Nhân dân Ấn Ðộ (BJP) được kỳ vọng sẽ khôi phục kinh tế cũng như thay đổi vị thế chính trị của nền dân chủ lớn nhất thế giới.

Chiến thắng trong nước

Ông Modi - Thống đốc bang Gujarat ở miền Tây đã giành được sự ủng hộ của dân chúng nhờ chủ trương nỗ lực khôi phục kinh tế với một chính phủ trong sạch. Theo kết quả kiểm phiếu hôm 16-5, BJP giành chiến thắng áp đảo với số ghế (trong quốc hội) đủ để tự mình đứng ra thành lập chính phủ. Điều này giúp nhà lãnh đạo theo Ấn giáo kiểm soát tốt hơn các chương trình nghị sự thương mại và an ninh khi không phải đối phó với những thách thức từ các đối tác liên minh trong quá trình thực hiện cải cách.

Phát biểu trước biển người ủng hộ, chính trị gia 63 tuổi cho biết thời kỳ chia rẽ chính trị ở Ấn Độ đã kết thúc để bắt đầu kỷ nguyên của đoàn kết hướng tới một Ấn Độ vinh quang và thịnh vượng. Ông Modi một lần nữa khẳng định sẽ nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ ấy của 1,2 tỉ dân Ấn Độ. Trong đó, giải quyết những khoản đầu tư bị đình trệ trong các dự án điện, đường bộ và đường sắt để phục hồi tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, Ấn Độ sẽ từng bước mở cửa cho đầu tư nước ngoài thông qua chính sách hỗ trợ thuế và cải cách thị trường lao động hướng tới mục tiêu tạo ra 10 triệu việc làm mỗi năm. Tuy nhiên, đây không phải nhiệm vụ dễ dàng đối với tân Thủ tướng Modi và chính phủ của ông bởi nền kinh tế của quốc gia Nam Á đang èo uột trong khi BJP chưa nắm được Thượng viện để có thể thuận lợi thông qua các dự luật.

…lẫn mặt trận ngoại giao

Cựu nhân viên Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Ashley Tellis nhận định "chiến thắng ngoạn mục" của ông Modi cùng BJP là cơ hội để Ấn Độ "xác định lại" vị thế chính trị trên trường quốc tế trong thời gian tới.

Theo các phương tiện truyền thông, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron đã gọi điện chúc mừng chiến thắng của ông Modi và BJP.

Phát ngôn viên của Thủ tướng Cameron cho biết, cả hai nhà lãnh đạo trong cuộc điện đàm đã nhất trí về tầm quan trọng cũng như đồng ý hợp tác để tăng cường hơn nữa mối quan hệ Anh - Ấn trong thời gian tới. Còn tại Washington, chính quyền Tổng thống Obama tuyên bố sẽ bãi bỏ lệnh cấm cấp thị thực và cho phép ông Modi hưởng quy chế miễn trừ ngoại giao. Được biết, Washington đã cấm cấp thị thực cho ông Modi từ năm 2005 do cáo buộc liên quan đến cuộc bạo loạn sắc tộc ở bang Gujarat vào năm 2002 khiến hơn 1.000 người, chủ yếu là người Hồi giáo, thiệt mạng. Trong một tuyên bố, Nhà Trắng nói thêm rằng Tổng thống Obama bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với tân Thủ tướng Modi nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hai nước. Đặc biệt, ông Obama cũng ngỏ lời mời ông Modi đến Washington vào "thời điểm đôi bên có thể thỏa thuận để củng cố mối quan hệ song phương".

Theo các quan chức và giới phân tích Nam Á, chiến thắng vang dội của ông Modi và BJP là cơ hội để "thiết lập lại" mối quan hệ bị sa sút trong những năm qua giữa Washington và New Delhi mà gần đây nhất là vụ giới chức Mỹ bắt giữ, lột đồ khám xét và trục xuất bà Devyani Khobragade, Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ tại New York.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết