Ấn Độ và Nga mới đây đã ký bản ghi nhớ hợp tác mở tuyến hàng hải mới trong đó có đoạn đi qua Biển Đông, động thái mà giới phân tích cho rằng Ấn Độ đang thách thức yêu sách phi pháp của Trung Quốc tại vùng biển này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Modi tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông. Ảnh: SCMP
Theo biên bản ghi nhớ được Ấn Độ và Nga - hai đồng minh an ninh truyền thống - ký kết tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông hôm 4-9, tuyến đường biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới sẽ kết nối thành phố cảng Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga với thành phố Chennai nằm trên Vịnh Bengal, phía Đông Ấn Độ. Điểm đáng chú ý là tuyến vận chuyển này sẽ có một đoạn đi qua Biển Đông, nơi nổ ra tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trong những năm qua. Ngoài ra, Ấn Độ sẽ cấp cho Nga khoản vay 1 tỉ USD để phát triển vùng Viễn Đông giàu tài nguyên.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể Diễn đàn Kinh tế phương Đông, Thủ tướng Narendra Modi cho biết, tuyến đường biển nói trên sẽ phù hợp với chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ. Chính sách này được hoạch định nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ về kinh tế và chính trị giữa New Delhi và các quốc gia Đông Nam Á. Nhà lãnh đạo Ấn Độ nhấn mạnh, sự hợp tác này đánh dấu một kỷ nguyên hợp tác mới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm giúp cho khu vực trở nên “rộng mở, tự do và toàn diện”.
Hiện nay, con đường biển đang có từ St. Petersburg của Nga đi tới Chennai thông qua Kênh đào Suez ở Trung Đông dài 8.553 hải lý với khoảng thời gian đi mất hơn 35 ngày, trong khi hải trình Vladivostok đi Chennai dự kiến chỉ mất 19 ngày. Vì thế, tuyến hàng hải mới sẽ giúp thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Nga và Ấn Độ, đặc biệt là dầu khí. Con đường này góp phần làm giảm sự phụ thuộc vào tuyến hàng hải đi qua khu vực Trung Đông đầy bất ổn. Đặc biệt, khi thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á, Ấn Độ coi lĩnh vực tự do hàng hải trên Biển Đông giữ vai trò chủ đạo, liên quan đến lợi ích quốc gia ngày càng tăng của New Delhi. Với hơn 55% hoạt động thương mại đi qua các tuyến đường biển quan trọng ở châu Á và Eo biển Malacca, Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới và thứ 3 châu Á – do đó có những chiến lược quan trọng ở Biển Đông. Ngoài ra, theo ông Rajeev Ranjan Chaturvedy tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học công nghệ Nanyang (Singapore), Ấn Độ cảm thấy bất an trước các hành động hung hăng của Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông.
Giới phân tích cho rằng bằng việc hợp tác với Ấn Độ mở tuyến hàng hải mới, Nga muốn mở rộng ảnh hưởng tại châu Á và kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Hu Zhiyong, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nhận định: “Đây có thể là dấu hiệu cho thấy sự hợp tác của Ấn Độ với Nga đang tiến tới một giai đoạn quan trọng. Trong bối cảnh Nga đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại châu Á, sự hợp tác với Ấn Độ ở mức độ nào đó có thể giúp Nga đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực”.
TRÍ VĂN (Theo SCMP, India Today)