Sự phát triển nhanh chóng gần đây của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động mạnh mẽ đến mọi cấp độ trong nền giáo dục tại Trung Quốc, từ bậc tiểu học, trung học cho đến đại học.

Học sinh ở thành phố Liễu Châu (Trung Quốc) thực hành điều khiển robot trong một tiết học khoa học. Ảnh: XINHUA
Tháng 12-2024, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn kêu gọi tăng cường giáo dục AI ở các trường tiểu học và trung học, cũng như xác định rõ rằng công nghệ này phải phổ biến vào năm 2030. Mục đích của hướng dẫn là nhằm bồi dưỡng nhân tài tương lai, nâng cao khả năng giải quyết vấn đề và kỹ năng số của học sinh, đồng thời thúc đẩy tinh thần đổi mới trong ngành giáo dục. Trước đó, vào tháng 2 cùng năm, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố danh sách 184 trường tiểu học và trung học được chọn tham gia chương trình thí điểm giáo dục AI.
Thực tế, AI đang thâm nhập vào nhiều lớp học tiểu học và trung học tại Trung Quốc, với việc được áp dụng trong công tác lập kế hoạch bài học và giảng dạy trên lớp. Sự hiểu biết về công nghệ mới nhất này đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống giáo dục. Như trong một lớp học AI tại Trường Thực nghiệm Trường Xuân thuộc tỉnh Cát Lâm, các học sinh đã được thực hành với robot, vận hành máy bay không người lái và công nghệ in 3D. Nhà trường cũng mở một câu lạc bộ AI dành cho những học sinh quan tâm đến công nghệ tiên tiến này. Theo nhà trường, câu lạc bộ nhằm giúp học sinh giảm rào cản trong việc hiện thực hóa ý tưởng cá nhân, cũng như trải nghiệm được sức hấp dẫn của thành quả sáng tạo dựa trên AI.
Hồi năm ngoái, Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đã công bố 50 kịch bản ứng dụng tích hợp AI trong giáo dục bậc đại học. Trong đó bao gồm việc sử dụng nền tảng giáo dục có hỗ trợ AI askpku.com, vốn dành riêng cho các giảng viên và sinh viên của Ðại học Bắc Kinh để cải thiện hiệu quả giảng dạy và học tập. OpenEdu4Fin, một nền tảng giáo dục tài chính “thông minh” do Ðại học Tài chính và Kinh tế Ðông Bắc thiết kế, cũng nằm trong danh sách tích hợp vào giáo dục đại học.
Ðược biết, kể từ năm 2018, hơn 500 trường đại học và cao đẳng tại Trung Quốc đã triển khai chuyên ngành AI, sau khi chính phủ nước này công bố kế hoạch trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực AI.
Nhiều cách tiếp cận giáo dục
Các chuyên gia nhận định AI đã định hình lại ngành giáo dục Trung Quốc bằng cách tạo điều kiện cho việc học tập được cá nhân hóa và kéo dài suốt đời, hoạt động giảng dạy đạt hiệu quả hơn cũng như đánh giá khoa học và quản lý trường học tốt hơn. Ðơn cử, Giáo sư Mohamed Ally tại Ðại học Athabasca (Canada) cho biết AI có thể đáp ứng nhu cầu của từng người học và cung cấp dịch vụ dạy kèm 1:1, cũng như tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời.
Trong khi đó, ông Zheng Qinghua, Hiệu trưởng Ðại học Ðồng Tế, cho biết công nghệ AI tạo sinh đã trở thành công cụ thiết yếu để thu thập và phổ biến kiến thức. Nhiều mô hình AI do các công ty internet và trường đại học phát triển đã được áp dụng vào các hoạt động giáo dục. Những công cụ này có thể viết bài luận và giải quyết các vấn đề khoa học, hỗ trợ sinh viên làm bài tập và bài kiểm tra hiệu quả hơn.
Theo Giáo sư Wang Huashu tại Ðại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, AI tạo sinh cũng mở ra những khả năng mới cho việc hướng dẫn được cá nhân hóa. Chẳng hạn, giáo viên ngôn ngữ có thể sử dụng AI để tạo ra các kịch bản đối thoại thực tế dành cho việc thực hành môn nói, trong khi sinh viên được hưởng lợi từ phản hồi tức thời đối với các kỹ năng ngôn ngữ nói và viết, nâng cao khả năng giao tiếp của họ.
Ngoài khía cạnh giảng dạy và học tập, AI cũng đang thay đổi phương pháp đánh giá giáo dục ở Trung Quốc. Yang Yu, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Giáo dục nước này, cho biết hồ sơ chính xác về các môn đánh giá, được tạo ra thông qua phương pháp máy học, đã cải thiện đáng kể hiệu quả và độ chính xác của việc chấm điểm bài thi. Khi kết hợp với các công cụ trực quan hóa, dữ liệu to lớn hơn có thể trình bày các kết quả phân tích phức tạp thông qua biểu đồ và đồ thị so sánh, cho phép các nhà quản lý giáo dục và giới chức có được sự hiểu biết sâu sắc và triển khai các hành động có mục tiêu hơn.
NGUYỆT CÁT (Theo China Daily)