28/03/2024 - 07:45

Afghanistan trở thành “nhà” của các nhóm thánh chiến? 

Sự gia tăng các mối đe dọa khủng bố quốc tế liên quan đến Afghanistan đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các chính phủ rằng quốc gia Tây Nam Á này lại trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm thánh chiến có tham vọng toàn cầu.

Lực lượng Taliban canh gác tại thủ đô Kabul, Afghanistan. Ảnh: Shutterstock

Giới chức phương Tây đổ lỗi cho nhóm Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K) về vụ tấn công ở ngoại ô Mát-xcơ-va (Nga), khiến ít nhất 137 người thiệt mạng hôm 22-3. ISIS-K là một nhánh IS hoạt động tại miền Ðông Afghanistan và là kẻ thù không đội trời chung của lực lượng Taliban đang kiểm soát Afghanistan.

Taliban đã tiến hành chiến dịch trấn áp đẫm máu nhằm vào ISIS-K kể từ lúc trở lại nắm quyền năm 2021, nhưng các nhà phân tích cho biết nhóm thánh chiến này vẫn mạnh lên đáng kể sau khi Mỹ rút quân và gần đây tăng cường hoạt động quốc tế. ISIS-K còn dính líu tới các vụ đánh bom ở Iran làm chết gần 100 người hồi tháng 1, vụ tấn công vào một nhà thờ ở Thổ Nhĩ Kỳ cùng tháng và một âm mưu tấn công Quốc hội Thụy Điển bất thành vào tuần trước.

Trong khi đó, Taliban ở Pakistan, một đồng minh có chung tư tưởng với Taliban ở Afghanistan và có sự hiện diện lớn tại nước này, đã sát hại hàng trăm người trong các cuộc tấn công xuyên biên giới từ những nơi ẩn náu ở Afghanistan kể từ năm 2021. Giới phân tích tin rằng các nhóm Hồi giáo khác, từ al-Qaeda đến Đảng Hồi giáo Turkistan (TIP), cũng có mặt ở Afghanistan.

Lo ngại về mối đe dọa ngày càng lớn của bạo lực cực đoan liên quan đến Afghanistan đã khiến Tướng Michael Kurilla, Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ, phải cảnh báo ngay trước vụ khủng bố ở Mát-xcơ-va rằng “nguy cơ tấn công bắt nguồn từ Afghanistan đang gia tăng”. “ISIS-K vẫn có khả năng và ý chí tấn công các lợi ích của Mỹ và phương Tây ở hải ngoại chỉ trong 6 tháng mà không hoặc có rất ít cảnh báo”, Tướng Kurilla nói.

Bạo lực ở Pakistan do các nhóm như Taliban tại Pakistan thực hiện cũng đã bùng phát. Theo Cổng thông tin khủng bố Nam Á, hơn 1.500 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công khủng bố ở Pakistan vào năm ngoái, nhiều gấp 3 lần số người chết trước khi Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan.

ISIS-K đang “gõ cửa châu Âu”

Ngày 26-3, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser tuyên bố ISIS-K vẫn là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với nước này. Bộ Nội vụ Đức đã phá nhiều âm mưu liên quan ISIS-K trong 18 tháng qua.

Theo bà Faeser, Đức sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới mang tính tạm thời như một phần trong nỗ lực tăng cường an ninh xung quanh thời gian diễn ra EURO 2024 vào mùa hè tới. Dự kiến, giải sẽ thu hút khoảng 2,7 triệu lượt người đến sân vận động theo dõi các trận đấu và 12 triệu lượt người xem tại các địa điểm công cộng.

Colin Clarke, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Soufan (Mỹ), đánh giá ISIS-K đang “gõ cửa châu Âu” và coi Thế vận hội Paris 2024 là sự kiện rất đáng lo ngại.

Taliban đã liên tục tuyên bố không cho phép những phần tử cực đoan sử dụng Afghanistan làm căn cứ cho các âm mưu khủng bố. Trong khi Taliban tìm cách trấn áp ISIS-K, phong trào này dường như khoan dung hơn với các nhóm chiến binh khác. Vào năm 2022, Mỹ đã truy lùng và tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri tại trung tâm thủ đô Kabul của Afghanistan, khiến phương Tây nghi ngờ Taliban đang chứa chấp ông này.

“Khi lính Mỹ rời đi vào năm 2021, không có sự đồng thuận nào trong khu vực về an ninh ở Afghanistan. Kết quả là tất cả các nhóm khủng bố tại đây có nhiều không gian để hoạt động”, Kabir Taneja, thành viên tại Quỹ Nghiên cứu các nhà quan sát, nhận định.

HẠNH NGUYÊN (Theo Financial Times)

Chia sẻ bài viết