20/08/2009 - 08:17

Afghanistan bầu cử trong bạo lực

Nhân viên an ninh Afghanistan tại hiện trường vụ đấu súng tiêu diệt 3 phiến quân ở Kabul ngày 19-8.
Ảnh: Reuters

Hôm nay 20-8, khoảng 17 triệu cử tri Afghanistan đi bỏ phiếu bầu tổng thống mới và 420 ủy viên hội đồng địa phương ở 34 tỉnh. Công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử dân chủ lần thứ hai ở Afghanistan đã bị phủ bóng đen bởi các cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy Taliban, nhằm ngăn cản cử tri đi bầu.

Ngày 18-8 tại nước này xảy ra 2 vụ đánh bom liều chết làm 12 người thiệt mạng và 50 người khác bị thương. Cùng ngày, phủ tổng thống cũng bị Taliban tấn công bằng rốc-két. Trước đó, ngày 15-8, một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra bên ngoài sở chỉ huy quân sự NATO ở Kabul làm 7 người chết và gần 100 người bị thương (Taliban nói rằng mục tiêu của chúng là Đại sứ quán Mỹ ở gần đó). Tăng cường chiến dịch tấn công vào Kabul, Taliban muốn gây hoang mang cho cử tri rằng: ngay cả thủ đô được canh phòng nghiêm ngặt cũng không an toàn, nên tốt hơn hết là hãy ở nhà. Taliban đã dọa sẽ tấn công các điểm bỏ phiếu khắp cả nước.

Một dấu hiệu cho thấy hiệu quả của các cuộc tấn công nổi dậy là ngày 18-8, Bộ Ngoại giao Afghanistan yêu cầu các hãng tin tránh “đưa tin bất cứ vụ bạo lực nào” từ 6 - 8 giờ sáng trong ngày bầu cử. Mục đích là nhằm đảm bảo sự tham gia rộng rãi của cử tri. Bộ Nội vụ Afghanistan cũng yêu cầu các nhà báo tránh xa các khu vực bị tấn công.

Khoảng 300.000 binh sĩ Afghanistan và lực lượng an ninh nước ngoài được triển khai để đảm bảo cho khoảng 6.200 - 7.000 điểm bỏ phiếu (do số lượng có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm). Tướng Mohammad Zahir Azimi, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Afghanistan, hy vọng sự bố trí lực lượng an ninh dày đặc như vậy sẽ khiến phe nổi dậy không có cơ hội thực hiện các vụ tấn công lớn.

Tuy nhiên, Tướng Damian Cantwell, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm bầu cử của NATO tại Afghanistan, cho biết tình hình an ninh hiện nay có thể làm gần 2 triệu cử tri không dám thực hiện quyền công dân của mình. Mỹ và NATO đã tiến hành nhiều cuộc hành quân vào sào huyệt của Taliban trước đó, nhằm mở rộng các khu vực an toàn cho cử tri tham gia bỏ phiếu. Nhưng một vài tỉnh miền Nam, thậm chí một số khu vực phía Đông, nơi quân đội Mỹ kiểm soát an ninh tốt hơn, dường như vẫn còn quá nguy hiểm đối với cử tri. Ví như tại tỉnh Wardak, khoảng 60% các điểm bỏ phiếu có thể vẫn sẽ đóng cửa vào hôm nay. Giáo viên tại các trường học, những nơi thường được chọn làm điểm bỏ phiếu ở tỉnh này, đã bị đe dọa tính mạng.

N.MINH (Theo WSJ, AFP, BBC)

Tổng thống đương nhiệm Hamid Karzai được dự báo sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, nhưng khó đạt được 50% số phiếu bầu để giành chiến thắng ngay tại vòng 1. Trong số 40 đối thủ, chỉ có cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah là có khả năng thách thức ông Karzai.

Nhân viên an ninh Afghanistan tại hiện trường vụ đấu súng tiêu diệt 3 phiến quân ở Kabul ngày 19-8. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết