06/05/2021 - 08:21

184 triệu người Mỹ được tiêm vaccine trước quốc khánh 

Tổng thống Joe Biden (ảnh) vừa công bố mục tiêu sẽ tiêm chủng ít nhất một liều vaccine COVID-19 cho 70% người Mỹ trưởng thành (tương đương 184 triệu người) trước ngày Quốc khánh nước này 4-7.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

“Mục tiêu của chúng tôi trước ngày 4-7 tới là 70% người Mỹ trưởng thành được tiêm ít nhất một liều vaccine và 160 triệu người Mỹ trưởng thành (gần phân nửa dân số nước này) nhận đủ hai liều. Ðiều đó đồng nghĩa xứ cờ hoa cần phải chủng ngừa thêm gần 100 triệu liều vaccine trong 60 ngày tới”, Tổng thống Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 4-5. Ðến nay, hơn 56% người Mỹ trưởng thành, tương đương 147 triệu người, đã nhận ít nhất một liều vaccine và 105 triệu người được chủng ngừa đầy đủ. Trước đây, ông Biden coi ngày 4-7 là thời điểm người Mỹ có thể tụ tập theo nhóm nhỏ để mừng Quốc khánh và đưa xã hội dần trở lại bình thường.

Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết chính quyền sẽ tập trung triển khai vaccine cho những vùng hẻo lánh, sử dụng các địa điểm nhỏ thay thế cho trung tâm tiêm chủng lớn. Khi đặt ra mục tiêu mới, Nhà Trắng cũng đã tính đến khó khăn của chiến dịch tiêm chủng khi nhiều người còn tâm lý e ngại vaccine. Chính quyền ông Biden đang thuyết phục những trường hợp còn do dự, trong đó có những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump và người trẻ, đặc biệt ở độ tuổi 20 và 30. Hiện Mỹ tiêm liều thứ nhất với tốc độ khoảng 965.000 mũi/ngày, chỉ bằng phân nửa so với tốc độ tiêm cách đây 3 tuần. Chiến dịch chủng ngừa toàn dân tại nước này đang khựng lại sau khi đạt đỉnh hồi đầu tháng 4.

Ngoài ra, chính quyền ông Biden cũng khẳng định “sẵn sàng hành động ngay lập tức” nếu Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ phê duyệt vaccine của Hãng dược Pfizer-BioNTech (Mỹ/Ðức) cho trẻ từ 12-15 tuổi. Ðây được xem là một phần chủ chốt trong giai đoạn tiếp theo của chương trình chủng ngừa ở Mỹ. Chiến dịch tiêm vaccine hiện tại chỉ dành cho đối tượng từ 16 tuổi trở lên. Pfizer-BioNTech hồi tháng 3 năm nay nêu rõ vaccine 2 liều của họ được chứng minh là an toàn, hiệu quả cao trong cuộc thử nghiệm đối với gần 2.300 thiếu niên từ 12-15 tuổi. Mỹ hiện có 17 triệu trẻ trong độ tuổi này.

Tuy nhiên, nhắm vào các thiếu niên Mỹ là động thái gây tranh cãi đối với nhiều chuyên gia bởi họ lập luận rằng sẽ là sai lầm nghiêm trọng khi sử dụng nguồn vaccine hạn hẹp của thế giới cho nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm COVID-19 thấp, trong khi đại dịch lại đang bùng phát ở các quốc gia như Ấn Ðộ và Brazil.

Mỹ chịu sức ép “xuất khẩu” vaccine sang Mỹ Latin

Số ca nhiễm COVID-19 ở Brazil và những nước khác thuộc khu vực Mỹ Latin đang tăng cao trong khi các quốc gia này thiếu hụt vaccine. Do vậy, các nghị sĩ đảng Dân chủ đã thúc giục chính quyền ông Biden ưu tiên cho Mỹ Latin nhận lượng vaccine dư thừa của Mỹ, song giới chức tại Washington vẫn chưa đưa ra bất cứ cam kết nào.

Tình trạng bất bình đẳng ở Mỹ Latin đã bị đại dịch khoét sâu hơn khi phần lớn người dân không đủ tiền mua các dụng cụ phòng bệnh cơ bản, còn giới tinh hoa dễ dàng tiếp cận với những thiết bị bảo hộ, thực hiện giãn cách xã hội và tìm kiếm vaccine. Người dân nơi đây cũng đã chạy sang Mỹ để tận dụng những liều vaccine dư thừa. Ước tính hơn 1 triệu người Mexico đã vượt biên sang Mỹ bằng xe hơi, máy bay và thậm chí là đi bộ để được tiêm vaccine.

Gần đây, Bộ trưởng Y tế Brazil Marcelo Queiroga đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia chia sẻ vaccine dự phòng với nước này để hỗ trợ cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu và Brazil đạt được mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ công dân vào cuối năm 2021. Ông Queiroga cho biết Brazil đã sử dụng 41 triệu liều vaccine nhưng cần thêm nguồn cung để đạt được mục tiêu tiêm 2,4 triệu liều/ngày.

Nhằm góp phần đối phó với làn sóng dịch bệnh đang tàn phá đất nước, ngày 5-5, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã quyết định sẽ cung cấp 6,7 tỉ USD dưới dạng các khoản vay lãi suất thấp để hỗ trợ các nhà sản xuất vaccine, bệnh viện và các đơn vị y tế khác. Cùng ngày, Ấn Độ lại ghi nhận số ca tử vong mới cao kỷ lục là 3.780 ca trong 24 giờ, nâng số người chết vì COVID-19 tại nước này lên hơn 226.000 người. Trong khoảng thời gian đó, Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 382.315 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 20,66 triệu.

HẠNH NGUYÊN (Theo The Hill, Reuters)

Chia sẻ bài viết