09/09/2021 - 08:18

“Vành đai, Con đường” gặp khó tại Indonesia 

Công tác xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài hơn 140km Jakarta - Bandung, một phần của sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc, đang phải đối mặt với mức phí phát sinh lên tới gần 2 tỉ USD và một số thách thức khác.

Một đoạn thuộc dự án đường sắt đang còn dở dang. Ảnh: Xinhua

Một đoạn thuộc dự án đường sắt đang còn dở dang. Ảnh: Xinhua

Theo nhà điều hành đường sắt quốc doanh Kereta Api Indonesia (KAI), chi phí ước tính dành cho dự án đã vượt mức 7,9 tỉ USD, so với ngân sách ban đầu khoảng 6 tỉ USD. Được biết, KAI là một phần của KCIC - liên doanh giữa Trung Quốc và Indonesia.

“Vào tháng 9-2019, đã có những dấu hiệu cho thấy phát sinh thêm chi phí xây dựng do dự án đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 3 năm ngoái. Nhiều người lo ngại rằng điều này sẽ là gánh nặng cho ngân khố nhà nước và hiện nó đã trở thành hiện thực” - Didiek Haryanto, Tổng giám đốc KAI, phát biểu trong phiên điều trần trước quốc hội gần đây.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng có trụ sở tại Hong Kong, Chính phủ Indonesia đang muốn dùng số tiền 4.100 tỉ rupiah (tương đương 287,5 triệu USD) của ngân sách năm tới để chi trả một phần mức phí phát sinh của dự án, trong bối cảnh các công ty Indonesia vẫn chưa thanh toán khoản góp vốn cơ bản bắt buộc trị giá 4.300 tỉ rupiah cho KCIC. Được biết, phía Indonesia được yêu cầu đóng góp khoảng 11.000 tỉ rupiah (773,5 triệu USD) vào liên doanh, gồm khoản bằng tiền mặt 4.300 tỉ rupiah, phần còn lại là bằng tài sản, chẳng hạn như đất đai. Về phần mình, phía Trung Quốc cho đến nay đã chi trả 394 triệu USD, tương đương 65% khoản đóng góp tiền mặt 607 triệu USD cần thiết để trở thành chủ đầu tư dự án.

Được biết, phía liên doanh Indonesia chiếm 60% cổ phần dự án và phần còn lại của các đối tác Trung Quốc. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cung cấp 75% vốn cho dự án, phần còn lại do KCIC đảm trách. Theo Mirza Soraya, thư ký KCIC, sở dĩ chi phí bị đội lên là do vấn đề trong việc thu hồi đất, di dời các công trình công cộng và xã hội, chi phí tài chính và các công việc khác. Thiếu vốn và các vấn đề môi trường là nguyên nhân khiến dự án nhiều lần bị ngưng thi công, điều này lại tăng chi phí cho dự án. Khi ký thỏa thuận tài trợ vào năm 2016, giá trị dự án được xác định  là 5,5 tỉ USD và sau đó tăng lên 6 tỉ USD vào năm 2018. Tuyến đường sắt dự kiến hoàn thành năm 2019 nhưng khó hoàn thành trong năm nay (đến giữa tháng 8 mới  hoàn thành 78%).

Với tốc độ tối đa 350 km/giờ, tuyến đường sắt dài 142,3km nối thủ đô Jakarta và thành phố Bandung ở Tây Java được kỳ vọng sẽ cắt giảm thời gian đi lại xuống còn 46 phút, so với thời gian đi ôtô lên tới 2 tiếng. Tuy nhiên, dự án ngay từ đầu đã gây lo ngại trong dư luận Indonesia. Khi thỏa thuận được ký kết, chuyên gia kinh tế của Đại học Indonesia, ông Faisal Basri, chỉ trích chính phủ phê chuẩn dự án mà không xác định rõ nguồn vốn nhà nước đóng góp, điều này làm dấy lên những nghi ngờ về thỏa thuận ngầm với phía đối tác và khả năng xảy ra tham nhũng khi triển khai dự án.

Trung Quốc coi tuyến đường sắt Jakarta - Bandung là một phần quan trọng trong sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Tháng 6-2019, trong cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh hai nước cần vững vàng xây dựng và nâng cao chất lượng hợp tác theo sáng kiến này.

 Tuy nhiên, Hikmahanto Juwana, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Indonesia, cho rằng nếu tuyến đường sắt trên tiếp tục bị đình trệ thì hình ảnh của Tổng thống Joko Widodo sẽ bị ảnh hưởng, bởi chính ông đã trao dự án cho nhà thầu Trung Quốc thay vì nhà thầu Nhật Bản như mong muốn của người dân. Hồi năm ngoái, trước sức ép của dư luận về sự chậm trễ của dự án quan trọng này, ông Widodo cảnh báo sẽ mời các nhà đầu tư Nhật Bản thay các nhà thầu Trung Quốc. Ông cũng mong muốn kết nối tuyến đường sắt này với dự án nâng cấp tuyến đường sắt dài 750km nối Jakarta với Surabaya sẽ do phía Nhật Bản thực hiện. Tuy nhiên, chưa có quyết định nào được đưa ra.

Không chỉ đường sắt trên bị chậm tiến độ và đội vốn, dự án nhà máy thủy điện Batangtoru ở Bắc Sumatra phải ngưng thi công hồi năm ngoái do vấn đề thiếu nhân công vì dịch bệnh. Dự án trị giá 1,5 tỉ USD phải lùi thời hạn hoàn thành từ năm 2022 đến năm 2025.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết