Sau hơn 30 năm bám biển, chứng kiến nguồn lợi thủy sản đánh bắt ngày càng cạn kiệt, thu nhập bấp bênh, ông Trương Văn Dũng (49 tuổi, ngụ xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) quyết định trở về quê phát triển sinh kế mới bằng việc nuôi thủy sản dưới tán rừng, thu hút đông đảo du khách tham quan.

Ông Dũng thả nuôi ốc len, vọp dưới tán rừng.
Ði cầu tre xuyên rừng
Huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng được “bao bọc” bởi 17km đường bờ biển, với trên 1.700ha diện tích rừng phòng hộ, tạo thành một vùng bãi bồi đầy tiềm năng để địa phương phát triển du lịch sinh thái. Ðiểm du lịch sinh thái do ông Dũng đầu tư là một trong những mô hình nằm trong nhóm đồng quản lý rừng ven biển do UBND tỉnh Sóc Trăng triển khai.
Dẫn chúng tôi vượt cầu tre băng qua những tán rừng đước, ông Dũng giới thiệu không ngớt về hệ sinh thái nơi đây, cùng tâm huyết mà ông đặt trọn vào mảnh đất này. Với hệ sinh thái tự nhiên, hoang sơ khiến cả đoàn ai nấy đều thích thú. Từ tán cây, đàn khỉ đuôi dài thấy người kéo cả đàn ra đón khách, từ các nhành cây, đàn khỉ trèo theo đoàn khách trong sự thích thú. Phía các thân cây, ốc len bám lên từng lớp, ba khía như trẩy hội bò khắp các bãi sình để lại nhiều ấn tượng khó phai cho du khách khi đặt chân đến nơi đây.
Ông Dũng kể, với 5ha rừng phòng hộ được ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng giao khoán khai thác và bảo tồn. Khi nhận đất rừng từ năm 2016, ông cũng được tập huấn các kiến thức pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng… Có đủ kinh nghiệm quản lý, nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, ông mạnh dạn bắt tay vào việc phát triển sinh kế bằng việc nuôi thủy sản dưới tán rừng.
“Tham gia mô hình sinh kế dưới tán rừng do dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ÐBSCL (MD-ICRSL) hỗ trợ từ năm 2016. Trong tổ có 15 thành viên ở xã An Thạnh 3, mỗi người được giao 5ha để vừa nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng vừa bảo vệ rừng để bảo tồn động vật hoang dã sinh sản thêm. Qua chương trình, có được kiến thức, kinh nghiệm sau những lớp tập huấn, tôi tiến hành thả nuôi vọp, ốc len, đặt thêm vèo nuôi cá thòi lòi… tạo nên hệ sinh thái thuận thiên, gần gũi thiên nhiên, các loài thủy sản thả nuôi đỡ nhọc công chăm sóc, lại đỡ chi phí thức ăn vì tận dụng được nguồn thức ăn trong tự nhiên. Từ đó, tôi cũng quyết định nghỉ làm nghề đi biển để phát triển sinh kế trên bờ”, ông Dũng cho biết.
Khai thác trọn vẹn giá trị từ rừng mang lại, ông Dũng đầu tư xây dựng các dịch vụ trải nghiệm cho du khách tham quan như đi cầu tre xem khỉ, ốc len, cá thòi lòi, thủy sản thiên nhiên, trượt nong dưới bãi bồi, chèo thuyền đưa khách tham quan rừng bần ven biển hay du khách có thể bơi thuyền khai thác thủy sản trong ao… Ngoài ra, ông còn kết hợp với nhiều điểm tham quan khác trong vùng để tạo thành cụm du lịch cộng đồng, cung cấp đầy đủ các dịch vụ từ vui chơi, giải trí, tham quan đến lưu trú. Theo tính toán của ông Dũng, chỉ riêng điểm tham quan của gia đình vào đợt cao điểm, lượng du khách lên đến hàng nghìn khách mỗi tháng.
Ðể rừng lấn ra biển
Theo ông Dũng, vì là rừng nguyên sinh, thủy sản được nuôi trồng theo kiểu thuận thiên nên nơi đây hoàn toàn giữ được vẻ hoang sơ. Ðiều du khách ấn tượng nhất là trải nghiệm đi cầu bắc ngang rừng, ngắm nhìn những chú khỉ treo mình trên ngọn bần chót vót, hay thoăn thoắt từ cành này sang cành nọ. Ðặc biệt, ở khu rừng này có nhiều đàn dơi, cò, chim với số lượng hàng ngàn con, cộng với rất nhiều đàn ong rừng làm tổ. Một điều rất thú vị là hiện tượng “ba khía hội” vẫn còn tồn tại ở nơi đây. Ðây là một hiện tượng tự nhiên, vào đêm ba khía từ các nơi tập trung về bu kín rễ, thân của những cây bần, thường ở một đoạn ven sông. Những người dân chỉ lấy tay hốt ba khía bỏ vào bao và đem về chứ không phải bắt từ con như bình thường. Giá ốc len dao động ở mức 100.000-120.000 đồng/kg, vọp 45.000 đồng/kg, cua trên 300.000 đồng/kg. Qua gần 8 năm thực hiện, lợi nhuận mỗi năm gia đình ông Dũng thu về lên tới hàng trăm triệu đồng. Chưa kể nguồn lợi thu được từ việc phát triển du lịch.
Hiện mỗi ngày có hàng trăm lượt khách đến tham quan điểm du lịch của ông Dũng. Ðiều gây ấn tượng với khách vì nơi đây vẫn giữ vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên. Ông Dũng đã thành công với việc vừa nuôi trồng vừa phát triển nguồn lợi thủy sản, giúp cân bằng hệ sinh thái, giúp bảo vệ diện tích rừng hiện có, tập trung trồng mới giúp rừng mỗi năm lại dày hơn và vươn ra biển, người dân cũng yên tâm hơn khi bão lũ đến.