Năm nay ngành tôm được dự báo với nhiều thuận lợi hơn trong sản xuất, xuất khẩu. ÐBSCL cũng như 28 tỉnh, thành ven biển đang vào vụ mùa nuôi tôm nước lợ năm 2025, với diện tích nuôi, sản lượng thu hoạch ước tính tăng so với năm 2024. Do đó, ngay từ đầu vụ, kế hoạch nuôi trồng phù hợp theo từng địa phương; công tác kiểm soát, xử lý, xây dựng vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh và tìm kiếm thị trường tiêu thụ đang được các bộ ngành chuyên môn, địa phương, doanh nghiệp và người nuôi tăng cường thực hiện...

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại doanh nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh Bạc Liêu.
Ðảm bảo sản lượng xuất khẩu
Theo Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2024 ngành tôm tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các địa phương và sự tham gia tích cực của các hội, hiệp hội, sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng ngư dân nên kết quả sản xuất nuôi tôm nước lợ đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng diện tích nuôi cả năm đạt 749.800ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó diện tích nuôi tập trung chủ yếu ở các tỉnh ven biển ÐBSCL, với diện tích tôm sú 628.800ha, tăng 1,1%; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 121.000ha, tăng 5%); sản lượng thu hoạch được 1.290.500 tấn (tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó sản lượng tôm sú đạt 338.800 tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 951.700 tấn. Kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 3,95 tỉ USD (tăng 14% so với năm 2023). Trong đó thị trường xuất khẩu mạnh nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc và một số nước EU…
Năm 2024, thành viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) gặt hái được thành công trong sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu. Phân tích về hoạt động chế biến xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp thuộc VASEP trong năm 2024, bà Trần Thụy Quế Phương, Chánh Văn phòng VASEP, cho biết: năm 2024 xuất khẩu tôm của Việt Nam vào các thị trường tăng 14% so với 2023 nhờ nhu cầu thị trường tăng, sức mua phục hồi, tồn kho từ Mỹ, EU giảm. Giá tôm xuất khẩu có xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2024. Trong đó, mặc dù xuất khẩu tôm sú giảm 3%, chỉ đạt kim ngạch 447 triệu USD, nhưng xuất khẩu tôm thẻ chân trắng tăng 8%, đạt 2,7 tỉ USD, xuất khẩu tôm loại khác tăng 71%, đạt 710 triệu USD. Có 3 thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam nhiều nhất là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Ðáng chú ý là thị trường Trung Quốc vươn lên là thị trường nhập khẩu tôm nhiều nhất với kim ngạch đạt 843 triệu USD, tăng 39% so với 2023. Tuy nhiên, hiện tại tôm Việt Nam chỉ mới chiếm 1,5% thị trường nhập khẩu tôm của Trung Quốc nên dư địa tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này còn nhiều.
Ðể nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi trồng xuất khẩu tôm, thời gian qua các doanh nghiệp, đơn vị chuyên môn tập trung sản xuất và ương dưỡng đạt chất lượng giống tôm nước lợ phục vụ nuôi trồng. Trong đó, cả nước sản xuất được 33.404 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ, 52.000 con tôm sú bố mẹ phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Năm 2024, cả nước nhập khẩu khoảng 124.000 tôm thẻ bố mẹ, 692 tôm sú bố mẹ, 16.540 ấu trùng tôm thẻ, 66.000 ấu trùng tôm sú phục vụ cho sản xuất giống. Bên cạnh đó, các tỉnh ven biển có 1.943 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống tôm nước lợ. Năm 2024 sản xuất và ương dưỡng được 159 tỉ con tôm giống nước lợ, phục vụ nuôi trồng, đạt 103,55% so với năm 2023. Các tỉnh sản xuất tôm giống trọng điểm là Bạc Liêu, Cà Mau… chiếm khoảng 90% tổng cơ sở sản xuất và 60% sản lượng giống. Công tác xác nhận đăng ký nuôi và cấp mã số cơ sở nuôi tôm cũng được quan tâm thực hiện. Việc cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi (mã số nhận diện) đối với đối tượng nuôi chủ lực theo quy định của Luật Thủy sản phục vụ công tác quản lý nhà nước (chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo an toàn trong phòng, chống bão lũ), truy xuất nguồn gốc sản phẩm được thực hiện từ năm 2019 đến nay, phân cấp cho địa phương triển khai thực hiện. Kết quả triển khai cho đến hết năm 2024 có thêm 15.729 cơ sở đã đăng ký và được cấp mã số, so với năm 2023 tăng 25,8%; tổng số cơ sở đã cấp mã số là 76.811 cơ sở… góp phần nâng cao chất lượng con giống, phục vụ nuôi trồng.
Những tín hiệu tích cực
Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2025 ngành tôm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên cũng có những tín hiệu tích cực hơn như sự phục hồi của một số thị trường chính (Mỹ, Nhật Bản, EU) khi doanh số xuất khẩu tôm Việt Nam đều tăng; đặc biệt là những thay đổi về chính sách thuế của Mỹ đối với một số nước như Ecuador, Trung Quốc có thể là cơ hội xuất khẩu cho tôm Việt Nam… Năm 2025, các địa phương vùng ven biển có kế hoạch thả nuôi với diện tích 750.000ha (tôm sú 630.000ha, tôm thẻ chân trắng 120.000ha); sản lượng thu hoạch khoảng 1,3-1,4 triệu tấn, trong đó tôm sú 350.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 1.050.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4-4,3 tỉ USD. Bà Trần Thụy Quế Phương cho rằng, nếu có động lực hỗ trợ và tháo gỡ những bất cập nội tại trong sản xuất, chế biến xuất khẩu tôm năm 2025 có thể duy trì mức tăng trưởng 5-10%, hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch trên 4 tỉ USD. Năm 2025, nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng cao đối với mặt hàng tôm. Cùng với đó, thị trường xuất khẩu tôm sang EU, đặc biệt là Ðức, Hà Lan, Bỉ dự báo sẽ tăng, đây là cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam tăng sản lượng và tăng kim ngạch xuất khẩu từ các thị trường này...
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng nhận định: sau thời gian nỗ lực triển khai các biện pháp kéo giảm giá thành sản xuất, khoảng cách chênh lệch giá tôm nguyên liệu của Việt Nam với Ecuador, Ấn Ðộ ngày càng thu hẹp. Vụ tôm năm 2025 có dấu hiệu rất khả quan nhờ thời tiết thuận lợi, tôm ít bị bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp; mặt hàng tôm nguyên liệu loại 30 con/kg, đồng thời sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng của Việt Nam đang chiếm ưu thế cạnh tranh trên thị trường... Ðây là những thuận lợi nếu có sự chuẩn bị tốt về nguyên liệu, vốn đầu tư thì ngành hàng chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2025 có nhiều khả năng đạt trên 4 tỉ USD theo kế hoạch đề ra.
Mới đây, tại Hội nghị phát triển ngành tôm nước lợ năm 2025, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến cho biết: Năm 2025 xuất khẩu nông nghiệp nói chung, xuất khẩu thủy sản nói riêng có nhiều thuận lợi khi nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường tăng. Riêng ngành xuất khẩu tôm, để tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu thì các đơn vị trực thuộc cần phối hợp các địa phương ven biển tiếp tục triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương đối với nhiệm vụ, mục tiêu, các nhóm giải pháp phát triển ngành với tư duy kinh tế thủy sản thay cho sản xuất thủy sản. Trong đó, các đơn vị, địa phương cần tập trung theo dõi diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường để kịp thời tham mưu chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt các mục tiêu kế hoạch 2025; tăng cường công tác quản lý và kiểm soát chất lượng giống tôm; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, thanh tra tại các tỉnh trọng điểm, các cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để xử lý tận gốc các cơ sở vi phạm chất lượng, các cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất; phối hợp chặt chẽ giữa công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh để chủ động dự báo chính xác và có cảnh báo sớm đến người dân; quản lý và kiểm soát chặt chẽ sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh đảm bảo an toàn thực phẩm sản phẩm theo chuỗi giá trị; tăng cường phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp và hiệu quả với từng phương thức nuôi; tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam…