22/02/2025 - 16:50

Các quan chức cấp cao Mỹ “tẩy chay” G20 

Hội nghị cấp bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) đang diễn ra ở Nam Phi. Tuy nhiên, sự vắng mặt của Ngoại trưởng và sau đó là Bộ trưởng Tài chính Mỹ tại các sự kiện liên quan khiến nhiều người thêm bất an
về một thời kỳ hỗn loạn.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 tại Nam Phi. Ảnh: Prensa Latina

Thường các cuộc họp G20 là cơ hội để Mỹ thúc đẩy sự ủng hộ quốc tế với các chính sách của Nhà Trắng, đặc biệt ở thời điểm đầu nhiệm kỳ của một chính quyền mới. Washington lâu nay cũng dẫn đầu các thỏa thuận quan trọng của G20 để giải quyết những vấn đề về chính sách tài chính và tiền tệ.

Theo truyền thống này, các nhà phân tích cho rằng việc Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio lẫn Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent vắng mặt tại cuộc họp thường kỳ diễn ra ở Nam Phi giữa các quan chức ngoại giao và tài chính cấp cao của các nền kinh tế lớn nhất thế giới là rất bất thường. Nó phản ánh sự thờ ơ của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với những tổ chức thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Cơ cấu G20 gồm quốc gia thành viên Nhóm các nền công nghiệp tiên tiến (G7) là Mỹ, Nhật Bản, Ðức, Pháp, Anh, Ý, Canada và một số nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Ấn Ðộ, Brazil, Nga, Úc, Argentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Nam Phi, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ cùng Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU). G20 chiếm hơn 80% nền kinh tế toàn cầu và 2/3 dân số thế giới. Hiện tại, Nam Phi giữ chức Chủ tịch luân phiên G20 và sẽ chuyển giao lại cho Mỹ sau tháng 11-2025.

Phát biểu tại phiên khai mạc diễn ra ở thành phố Johannesburg, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết việc một quốc gia ở lục địa đen lần đầu tiên đăng cai diễn đàn bộ trưởng ngoại giao là cơ hội để châu lục này được lắng nghe về các vấn đề cấp bách trên toàn cầu như phát triển bền vững, nền kinh tế kỹ thuật số và sự chuyển dịch sang năng lượng xanh; rộng hơn nữa là thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển trong các cuộc đàm phán với những quốc gia giàu nhất thế giới. Nói thêm về tình hình hiện nay, Tổng thống nước chủ nhà cảnh báo căng thẳng địa chính trị, thái độ cố chấp leo thang bên cạnh xung đột và chiến tranh, biến đổi khí hậu, đại dịch, tình trạng mất an ninh năng lượng và lương thực đang đe dọa sự chung sống toàn cầu vốn đã mong manh. Qua đây, ông Ramaphosa nhấn mạnh G20 phải tiếp tục ủng hộ các giải pháp ngoại giao và tìm tiếng nói chung thông qua sự tham gia mang tính xây dựng để giải quyết khủng hoảng. “Ðiều quan trọng là các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế phải luôn giữ vai trò trọng tâm trong mọi nỗ lực. Ðây là chất keo gắn kết chúng ta với nhau” - ông Ramaphosa khẳng định.

Bình luận của Tổng thống Nam Phi được đưa ra trong bối cảnh lo ngại đang gia tăng trên toàn cầu đối với chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà chính quyền Tổng thống Trump đang thực thi. Hiện quan hệ giữa quốc gia châu Phi này với Mỹ cũng căng thẳng không kém kể từ sau sắc lệnh của Tổng thống Trump vào đầu tháng 2, chấm dứt các gói viện trợ tài chính cho Nam Phi vì luật đất đai mà Mỹ coi là “phân biệt đối xử với một số nhóm thiểu số da trắng”. Sắc lệnh cũng mô tả chính sách đối ngoại của Nam Phi là “chống Mỹ”, đồng thời chỉ trích vụ kiện của Pretoria chống lại Israel về “hành vi diệt chủng” trên Dải Gaza ở Tòa án Công lý Quốc tế.

Các quan chức Nam Phi đã phản ứng giận dữ với sắc lệnh trên, nhưng Tổng thống Ramaphosa ngày 20-2 cho biết ông tin vào khả năng cả hai có thể giải quyết bất đồng. Trái với tình thế khó xử của ông Ramaphosa khi phải kiềm chế trong đề cập về Mỹ, quyết định “tẩy chay” cuộc họp Hội nghị Bộ trưởng G20 của ông Rubio là bằng chứng rõ ràng cho thấy quan hệ ngày càng xấu đi giữa Washington và một trong những đối tác thương mại quan trọng ở châu Phi. “Nhiệm vụ của tôi là thúc đẩy lợi ích quốc gia của Mỹ, không phải lãng phí tiền thuế của người dân hoặc dung túng cho chủ nghĩa bài Mỹ” - Ngoại trưởng Rubio cho biết.

Theo giới quan sát, sự vắng mặt của các quan chức cấp cao chính phủ Mỹ trong phiên họp tại Nam Phi có thể làm sao nhãng chương trình nghị sự phát triển chung, vốn bị lu mờ bởi biến động địa chính trị đang diễn ra dưới hình thức xung đột. Nhưng đó sẽ là cơ hội để Trung Quốc tìm kiếm ảnh hưởng lớn hơn khi Mỹ, thông qua những thay đổi chính sách đối ngoại mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Trump, đã dần từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình.

MAI QUYÊN (Theo AP, NYT)

Chia sẻ bài viết