22/02/2025 - 22:09

Alice Weidel và nỗi lo không chỉ của nước Đức 

Cử tri Ðức hôm nay (23-2) sẽ đi bỏ phiếu bầu chọn các thành viên quốc hội khóa mới, từ đó lập ra chính phủ điều hành đất nước trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang lâm vào suy thoái đồng thời lại đối phó với những thách cũ và mới liên quan đến cuộc chiến Nga - Ukraine, khủng hoảng chính trị trong Liên minh châu Âu (EU) và chính sách thuế quan từ Mỹ. Cuộc tổng tuyển cử năm nay đặc biệt rất gay cấn vì sự trỗi dậy mạnh mẽ của đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Ðức, phái chính trị có một số nét tương đồng với đường lối của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bà Weidel trong buổi tranh luận trực tiếp với các ứng viên thủ tướng Đức hôm 17-2. Ảnh: Getty Images

Trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên tại Hội nghị An ninh Munich mới đây, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã mở một cuộc tấn công dữ dội vào các nền dân chủ châu Âu, nói rằng mối đe dọa lớn nhất mà châu lục này đối mặt không phải là Nga hay Trung Quốc mà là “từ bên trong”. “Mối đe dọa mà tôi lo lắng nhất đối với châu Âu không phải từ Nga, Trung Quốc hay bất kỳ tác nhân bên ngoài nào. Ðó là mối đe dọa từ bên trong, việc châu Âu thoái lui khỏi một số giá trị cơ bản nhất của mình, những giá trị chung với Mỹ” - ông Vance nhấn mạnh. Ông Vance chỉ trích châu Âu vì không quan tâm đầy đủ tới cuộc di cư không kiểm soát và vì những gì mà ông mô tả là sự thoái lui của quyền tự do ngôn luận. Chưa dừng lại ở đó, ông Vance tiếp tục gây chú ý khi có cuộc gặp với đồng lãnh đạo đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Ðức (AfD) Alice Weidel, đồng thời chỉ trích các đảng phái chính thống tại châu Âu tạo ra “bức tường lửa” không hợp tác với các đảng như AfD. Ðộng thái này dường như để làm tăng sự ủng hộ của chính quyền Mỹ đối với AfD trước thềm bầu cử ở Ðức, dù điều này bị phê phán là hành động can thiệp chính trị của Washington.

Bóng dáng “bà đầm thép” Margaret Thatcher

Sinh năm 1979 trong một gia đình trung lưu ở thị trấn Gütersloh thuộc bang Bắc Rhine-Westphalia, bà Weidel là một trong 9 phụ nữ trong nhóm nghị sĩ của AfD. Về mặt chính trị, bà Weidel là nhân vật có ảnh hưởng lớn trong AfD. Bà cùng với đồng chủ tịch AfD Tino Chrupalla đã trở thành ứng cử viên chung trong cuộc bầu cử liên bang gần đây nhất vào năm 2021. Song, kết quả không như mong đợi. Họ chỉ giành được tỷ lệ ủng hộ 10,3%. Tuy nhiên, kể từ đó, AfD ngày càng mạnh hơn. Trong các cuộc bầu cử cấp tiểu bang gần đây, AfD nhận được sự ủng hộ lần lượt 18,4% và 32,8% ở tiểu bang Hesse và tiểu bang Thuringia.

Là một trong những thành viên đầu tiên của AfD, bà Weidel giữ vai trò quan trọng trong việc củng cố chính sách chống cứu trợ của giới lãnh đạo AfD. Trong suốt thập kỷ đầu đầy biến động của AfD trước các cuộc đấu đá nội bộ và sự thay đổi lãnh đạo, bà Weidel vẫn tỏ ra là người khiêm tốn.

Bà Weidel rất ngưỡng mộ Margaret Thatcher, Thủ tướng Anh trong giai đoạn 1979-1990. “Tôi rất ấn tượng với tiểu sử của bà. Bà đã lội ngược dòng ngay cả khi mọi thứ trở nên khó khăn. Bà Thatcher đã tiếp quản nước Anh khi nước này suy thoái về kinh tế và đưa đất nước trở lại đúng hướng” - bà Weidel nói về bà Thatcher trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Ðược mệnh danh là “bà đầm thép” của xứ sương mù do kiên trì với đường lối kinh tế tự do dù đối mặt với nhiều phản đối, Thủ tướng Thatcher ủng hộ thuế suất thấp, cắt giảm phúc lợi và tình trạng tư nhân hóa.

Trong cuộc phỏng vấn được truyền hình trực tiếp mới đây, bà Weidel đã giải thích vì sao chỉ có AfD mới có thể thay đổi nền chính trị, kinh tế, chính sách tài chính và di cư bị phá vỡ của Ðức. “Các lá phiếu ủng bộ AfD đã định hình đất nước. Ðó là một sự thừa nhận về cách AfD ủng hộ và giúp thông qua một động thái cứng rắn, không ràng buộc về di cư đã được Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) đệ trình vào tháng trước” - bà Weidel cho biết.

Tại Ðại hội liên bang của AfD, bà Weidel tuyên bố nếu bà lên nắm quyền, đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) từ Nga sẽ tiếp tục hoạt động. Ba Weidel cũng nhấn mạnh AfD muốn “tháo dỡ tất cả các cối xay gió” và khôi phục hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân. Ðảng này cũng kêu gọi mở rộng hoạt động của các nhà máy điện than ở Ðức. Theo ước tính, khoảng 55% nguồn khí tự nhiên của Ðức được nhập từ Nga trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2-2022. Phần lớn lượng khí đốt này được vận chuyển qua đường ống Nord Stream.

Một số nét tương đồng với Donald Trump

Quan điểm chính sách về năng lượng của bà Weidel và AfD tương đồng với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Và các lập trường về Nga hay chống nhập cư cũng vậy. Nói chung, bà Weidel dường như muốn theo đuổi chính sách “nước Ðức trên hết”, bản sao “nước Mỹ trên hết” của ông Trump.

Không phải ngẫu nhiên mà bà Weidel kêu gọi chấm dứt chính sách trừng phạt Nga và khởi động ngay lập tức các cuộc đàm phán hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine. Bà chỉ trích Chính phủ Ðức đã “đổ thêm dầu vào lửa” trong 3 năm qua bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine, đẩy quan hệ với Nga vào vòng xoáy đối đầu nguy hiểm. “Chúng ta đã và đang làm gì với Nga trong 3 năm qua? Chỉ là leo thang căng thẳng mà thôi. Chúng ta đối đầu với Nga không chỉ bằng lời nói, mà còn về tài chính và cả việc cung cấp vũ khí cho Ukraine” - bà Weidel nhấn mạnh.

Theo bà Weidel, nền kinh tế Ðức đang “trả giá đắt” vì trừng phạt Nga. Các biện pháp trừng phạt Nga không những không làm suy yếu Mát-xcơ-va mà còn đang “bóp nghẹt” nền kinh tế Ðức. Bà kêu gọi Berlin cần khẩn trương rời khỏi vòng xoáy trừng phạt này và tập trung vào các giải pháp ngoại giao. “Ðức không thể tiếp tục chịu đựng sự suy thoái kinh tế chỉ vì một cuộc chiến không có lối thoát rõ ràng. Ðã đến lúc ngồi vào bàn đàm phán và tìm giải pháp hòa bình bền vững” - bà Weidel tuyên bố. Theo số liệu từ phát ngôn viên Chính phủ Ðức Steffen Hebestreit, kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, Berlin đã cung cấp 44 tỉ euro viện trợ cho Kiev, trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai sau Mỹ.

Theo bà Weidel, Ðức đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử và AfD cam kết sẽ mang lại thay đổi cho quốc gia. Theo lời hứa này, AfD trong bản dự thảo tuyên ngôn bầu cử đã hướng tập trung vào cam kết đưa Ðức rời EU (Dexit) để lập cộng đồng hợp tác kinh tế và lợi ích mới giữa các quốc gia châu Âu có chủ quyền. Trước nay, AfD chủ trương muốn rút Berlin khỏi Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone).

AfD được biết tới như tổ chức chính trị của các nhà kinh tế bất mãn trước các gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc khủng hoảng đồng euro. Về cơ bản, AfD là đảng theo chủ nghĩa dân tộc, phản đối toàn cầu hóa. Với họ, tất cả tổ chức như EU hay Liên Hiệp Quốc đều tồn tại vì mục đích và giá trị riêng, là mối nguy hiểm đối với ý chí thực sự của người dân. Những năm gần đây, AfD tập trung vào các vấn đề được quan tâm như nhập cư, xung đột Ukraine, khủng hoảng mô hình kinh tế trong nước và đấu đá nội bộ.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết