* Trung Quốc “hạ thủy” trung tâm dữ liệu khổng lồ phục vụ AI

Ứng dụng DeepSeek. Ảnh: SCMP
Indonesia đang đẩy mạnh phát triển một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) nguồn mở với chi phí thấp, được xem là phiên bản nội địa của chatbot DeepSeek của Trung Quốc, trong nỗ lực trở thành cường quốc công nghệ tại Đông Nam Á.
Cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Prabowo Subianto, ông Luhut Pandjaitan, bày tỏ sự lạc quan về dự án đang được phát triển bởi một nhóm “chuyên gia tài năng”. Phát biểu tại Hội nghị Kinh tế Indonesia ở Jakarta, ông Luhut cho biết: “Chúng tôi đã thành lập đội ngũ để xây dựng DeepSeek phiên bản riêng. Nếu không thử, làm sao biết được kết quả?”.
Theo tiết lộ của cựu bộ trưởng này, chatbot chưa được đặt tên sẽ được trình làng với Tổng thống Prabowo vào đầu tháng sau, có khả năng phản hồi bằng cả tiếng Indonesia và tiếng Anh. Dù không tiết lộ chi phí cụ thể, ông Luhut khẳng định dự án “không tốn kém”.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, ông Arsjad Rasjid, kêu gọi khu vực tư nhân hợp tác với chính phủ thúc đẩy đổi mới AI. Ông nói: “Nếu Trung Quốc làm được, tại sao Indonesia không thể? Chúng tôi có nguồn nhân lực... Bản chất của mã nguồn mở là sự cộng tác”.
Ngoài ra, Indonesia đang soạn thảo quy định về AI và xem xét DeepSeek như một lựa chọn trong hệ sinh thái số. Thứ trưởng Truyền thông và Kỹ thuật số Nezar Patria cho biết chatbot này sẽ được đánh giá trước khi quyết định có cấm hay không.
Theo báo cáo e-Conomy SEA năm ngoái, dân số trẻ, am hiểu công nghệ số của Đông Nam Á rất quan tâm đến các sản phẩm ứng dụng AI. Tìm kiếm liên quan đến AI trong khu vực tăng gấp 11 lần từ 2020 đến 2024.
Ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng này đã thay đổi bản đồ công nghệ khu vực. Singapore, Thái Lan và Malaysia thu hút hơn 30 tỉ USD đầu tư liên quan đến AI trong 6 tháng đầu năm ngoái. Philippines cũng sắp hoàn thành iTanong - phiên bản ChatGPT nội địa có thể hoạt động bằng tiếng Tagalog và tiếng Anh, trong khi một công ty Malaysia đã phát hành LLM bằng tiếng Mã Lai phù hợp với văn hóa nước này.
* Trong khi đó, theo thông tin từ đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), một trung tâm dữ liệu dưới biển mới vừa được bổ sung vào cụm xử lý dữ liệu hiện có gần đảo Hải Nam, miền Nam Trung Quốc hôm 18-2. Hệ thống này có khả năng xử lý đồng thời 7.000 cuộc hội thoại với chatbot DeepSeek mỗi giây.
Cụm máy chủ ngầm này do công ty khởi nghiệp Shenzhen Hicloud Data Centre Technology vận hành, sở hữu sức mạnh tính toán tương đương 30.000 máy tính chơi game cao cấp hoạt động cùng lúc. Theo CCTV, nó có thể hoàn thành trong 1 giây những tác vụ mà một máy tính thông thường phải mất cả năm để xử lý. Năng lực tính toán này sẽ được ứng dụng vào việc huấn luyện mô hình AI, sản xuất game và nghiên cứu khoa học biển.
THANH TÙNG (TTXVN)