Theo thông báo từ Văn phòng Tổng thống Pháp, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ có mặt tại thủ đô Paris trong hội nghị thượng đỉnh không chính thức để thảo luận tình hình Ukraine và những thách thức an ninh khu vực giữa thời điểm quan hệ đồng minh xuyên Ðại Tây Dương đang chia rẽ về cách chấm dứt cuộc chiến ở Ðông Âu.

Vũ khí và chiến thuật cải tiến của Nga đặt ra thách thức cho lực lượng Ukraine trên tiền tuyến. Ảnh: AP
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot cho biết, cuộc họp khẩn cấp giải quyết khủng hoảng có sự tham gia của đại diện từ Ðức, Anh, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan và Ðan Mạch. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) Mark Rutte, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa cùng người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng có mặt.
Bộ trưởng Barrot lưu ý, những sự kiện như vậy vẫn được tổ chức thường xuyên và thông báo gấp này không nên bị “kịch tính hóa”. Nhưng giới quan sát nghĩ khác, trong đó, động thái triệu tập vội vã là bằng chứng cho thấy các nhà lãnh đạo châu Âu đang loay hoay trước những đồn đoán bị gạt ra bên lề tiến trình đàm phán tương lai của Ukraine. Lo lắng này âm ỉ kể từ khi Tổng thống Trump có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thảo luận các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 3 năm ở Ðông Âu. Ngày 16-2, Tổng thống Trump còn tuyên bố ông có thể sớm gặp nhà lãnh đạo Nga giữa thời điểm phái đoàn quan chức 2 nước chuẩn bị cho cuộc họp trực tiếp tại Saudi Arabia để khởi động tiến trình hướng tới hòa bình.
Trong khi Liên minh châu Âu (EU) chưa được mời còn các quan chức Ukraine không nắm bất kỳ thông tin nào, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio trấn an rằng Kiev và châu Âu đều sẽ phải tham gia vào bất kỳ “cuộc đàm phán thực sự” nào nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Theo hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Rubio đã có mặt tại Saudi Arabia. Ông Rubio dự kiến cùng Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và đặc phái viên Nhà Trắng về Trung Ðông Steve Witkoff gặp các quan chức Nga trong các cuộc đàm phán sơ bộ.
Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết ông sẵn sàng triển khai bộ binh tới Ukraine nếu cần thiết để giúp duy trì hòa bình trong trường hợp đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh. Tuyên bố này đáp lại bảng danh sách 6 điểm Mỹ gởi cho các đồng minh châu Âu tuần rồi, bao gồm câu hỏi quốc gia nào sẵn sàng đưa quân tới Ukraine như một phần của giải pháp hòa bình và chính phủ nào tăng cường lệnh trừng phạt lên Nga. Hiện có tin Thủ tướng Starmer chuẩn bị kế hoạch thăm Washington trong vài ngày tới, nếu vậy, đây sẽ là cơ hội để nhà lãnh đạo Anh đóng vai trò cầu nối giữa châu Âu và Mỹ.
Theo phân tích của chuyên gia John Blaxland, đàm phán trực tiếp giữa Mỹ - Nga làm dấy lên quan ngại về vấn đề quyền lực. Trong đó, Mát-xcơ-va thúc đẩy các cuộc gặp dự kiến tại Saudi Arabia để thảo luận không chỉ về cuộc chiến ở Ukraine mà còn về an ninh châu Âu nói chung. Bối cảnh này khiến nhiều nước khu vực bất an, đặc biệt khả năng Tổng thống Putin khôi phục các yêu cầu trước khi xung đột bùng phát vào năm 2022 nhằm hạn chế lực lượng NATO ở Ðông Âu và sự can dự của Mỹ ở lục địa già.
Về phần mình, Washington không chắc chắn với những gì họ muốn làm với Ukraine nhưng có sự thật là chính quyền Tổng thống Trump dường như hợp tác tốt với Tổng thống Putin trong khi hạ thấp ưu tiên quan hệ với các đối tác châu Âu. Diễn biến này đảo ngược quan hệ đồng minh xuyên Ðại Tây Dương và cuộc họp tại Paris cho thấy nỗ lực của các nhà lãnh đạo châu Âu duy trì cấu trúc an ninh kéo dài hàng thập kỷ.
Ngày 16-2, trước thềm diễn ra cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo chủ chốt của châu Âu tại thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm với Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia, trong đó hai bên thảo luận về vai trò của Saudi Arabia trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cho Ukraine và cách thức châu Âu nên đóng vai trò then chốt trong vấn đề này.
MAI QUYÊN (Theo CNN, BBC)