Nhà Trắng đang gia tăng sức ép lên Kiev về những nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột với Nga, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng khó chịu với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Tổng thống Ukraine Zelensky tiếp đón Ðặc phái viên Mỹ Kellogg tại thủ đô Kiev ngày 20-2. Ảnh: WSJ
Trong cuộc họp báo ngày 20-2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz cho rằng Tổng thống Zelensky cần quay lại bàn đàm phán và ký kết thỏa thuận về việc cho phép Mỹ tiếp cận các khoáng sản quan trọng của Ukraine.
Trước đó cùng ngày, ông Waltz gợi ý rằng Kiev có thể cho phép Washington tiếp cận các khoáng sản để đổi lấy viện trợ trong tương lai hoặc thậm chí đây cũng là một cách chi trả cho sự hỗ trợ lâu nay từ Mỹ. “Chúng tôi đã mang đến cho Ukraine một cơ hội đáng kinh ngạc và mang tính lịch sử”, cố vấn Waltz nói, đồng thời cho biết thỏa thuận này là “sự bảo đảm an ninh tốt nhất” mà Ukraine có thể hy vọng.
Hôm 19-2, Tổng thống Zelensky đã khước từ lời đề nghị này, vốn liên quan đến lượng khoáng sản trị giá 500 tỉ USD, bao gồm dầu mỏ và khí đốt.
Theo ông Waltz, Tổng thống Trump đang “rất thất vọng” về ông Zelensky sau khi nhà lãnh đạo Ukraine không sẵn lòng nắm bắt cơ hội hòa bình mà Mỹ đưa ra. Vị cố vấn cũng thừa nhận rằng Nhà Trắng “rất bực tức” về Tổng thống Zelensky sau khi ông có những lời lăng mạ “không thể chấp nhận được” đối với ông Trump hồi đầu tuần.
Hôm 19-2, ông Zelensky cho rằng chủ nhân Nhà Trắng ủng hộ “thông tin sai lệch” của Nga, khiến nhà lãnh đạo Mỹ đáp trả bằng cách gọi người đồng cấp Ukraine là “nhà độc tài” và ám chỉ Kiev khởi xướng cuộc chiến khiến Nga đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2-2022. Cũng do chiến tranh, Ukraine đã hoãn cuộc bầu cử mà lẽ ra diễn ra vào tháng 4-2024.
Cuộc khẩu chiến giữa hai nhà lãnh đạo nổ ra sau khi châu Âu và Ukraine không được mời tham dự cuộc đàm phán cấp cao Nga - Mỹ tại Saudi Arabia hôm 18-2, nơi các bên thảo luận về khả năng chấm dứt xung đột ở quốc gia Ðông Âu.
Cố vấn Waltz đưa ra bình luận trên ngay sau khi cuộc gặp giữa Tổng thống Zelensky và Ðặc phái viên Mỹ về Ukraine và Nga, ông Keith Kellogg tại Kiev kết thúc.
Chuyến thăm Kiev của ông Kellogg diễn ra vào thời điểm Mỹ, Nga cùng các nước châu Âu đang tìm kiếm giải pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm giữa Nga và Ukraine.
Trên mạng xã hội X, Tổng thống Zelensky cho biết ông và Ðặc phái viên Kellogg đã có “cuộc thảo luận tốt đẹp về tình hình chiến trường, cách thức trao trả tù binh và các đảm bảo an ninh hiệu quả”. Ông Zelensky nhấn mạnh Ukraine đã sẵn sàng cho một thỏa thuận đầu tư và an ninh mạnh mẽ, hiệu quả với Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, một cuộc họp báo dự kiến giữa ông Zelensky và Ðặc phái viên Mỹ đã bị hủy vào phút chót. Sự kiện ban đầu được lên kế hoạch có phần phát biểu trước truyền thông của Tổng thống Zelensky và ông Kellogg, nhưng phía Mỹ đã yêu cầu thay đổi vào phút chót, chỉ giữ lại một buổi chụp ảnh ngắn mà không có phát biểu trước báo giới.
Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cho biết ông đã thảo luận với Ðặc phái viên Kellogg về các biện pháp nhằm đạt được hòa bình công bằng và bền vững trong cuộc xung đột với Nga. Ông Sybiha nhấn mạnh rằng an ninh của Ukraine và khu vực xuyên Ðại Tây Dương là không thể tách rời.
Cũng trong cuộc họp báo ngày 20-2 ở Nhà Trắng, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz cho rằng tất cả thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) cần chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO, dự kiến vào tháng 6 tới. Ông Waltz nhấn mạnh: “Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nêu rõ và cần đạt được mức chi tiêu tối thiểu này”.
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron cũng kêu gọi châu Âu tăng cường đầu tư quốc phòng để đảm bảo an ninh. Ông Macron nhấn mạnh châu Âu cần chi tiêu nhiều hơn và hiệu quả hơn cho quốc phòng, cần đưa ra quyết định nhanh chóng ở cả cấp quốc gia và châu lục để tăng cường tính tự chủ và sức mạnh “vì an ninh của châu lục này đang bị đe dọa”. Nhà lãnh đạo Pháp đưa ra lời kêu gọi này khi ông chuẩn bị sang thăm Mỹ vào ngày 24-2 nhằm “bảo vệ lợi ích của châu Âu” trong cuộc đàm phán hòa bình cho Ukraine. Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng thăm Mỹ trong tuần tới.
|
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)