08/02/2025 - 15:54

Kỳ vọng gì ở Thượng đỉnh Hành động về AI? 

Ngày 10-2, Hội nghị thượng đỉnh Hành động về trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ chính thức được diễn ra ở Bảo tàng Grand Palais (thủ đô Paris, Pháp). Hội nghị kéo dài 2 ngày này sẽ quy tụ các quan chức chính phủ, giám đốc điều hành, đại diện các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự tại Paris để tập trung thảo luận xung quanh việc khai thác sức mạnh các hệ thống AI, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết các rủi ro mà công nghệ này gây ra.

Thượng đỉnh hành động về AI. Ảnh: Getty Images

Ðáng chú ý, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Ðức Olaf Scholz và Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi sẽ đồng chủ trì hội nghị cùng Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron. Ông Macron hy vọng sẽ sử dụng hội nghị để thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Pháp về AI tại châu Âu và quốc tế. Do đó, hội nghị lần này được xem là dịp để “soi” chiến lược về AI của Paris và tham vọng của xứ gà trống Gaulois trong môi trường công nghệ đầy cạnh tranh.

Theo tờ Indian Express, trong khi chương trình nghị sự của hội nghị sẽ chủ yếu tập trung vào các chủ đề về an toàn, quản trị và đổi mới AI, nhiều báo cáo cho thấy một số lĩnh vực trọng tâm sẽ chiếm vị trí trung tâm trong các cuộc thảo luận, gồm các hệ thống AI nguồn mở, năng lượng sạch cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu, tác động của AI đối với lực lượng lao động, lợi ích của AI đối với các quốc gia đang phát triển cũng như cách thúc đẩy chủ quyền trong thị trường AI toàn cầu.

Hội nghị nói trên diễn ra chỉ ít lâu sau khi 2 Hội nghị Thượng đỉnh về An toàn AI lần lược được tổ chức tại Anh và Hàn Quốc hồi năm 2023 và 2024. Tại hội nghị được tổ chức tại Anh hồi năm 2023, các bên tham gia khi đó tập trung vào cuộc tranh luận xung quanh mối quan ngại về “ngày tận thế” do AI gây ra, qua đó dẫn đến Tuyên bố Bletchley về An toàn AI do 29 quốc gia tham dự hội nghị, gồm Mỹ, Trung Quốc và Ấn Ðộ, ký kết. Tuyên bố khuyến khích sự minh bạch và trách nhiệm từ các bên có ý định phát triển công nghệ AI trong các kế hoạch, để đánh giá, giám sát và giảm thiểu những tác hại có thể xảy ra, đồng thời vạch ra chương trình nghị sự gồm hai mũi nhọn tập trung nhận diện các rủi ro chung và củng cố hiểu biết khoa học về những rủi ro này cũng như xây dựng các chính sách xuyên quốc gia để giảm thiểu rủi ro.

Ðặc biệt, ngay trước thềm diễn ra hội nghị, cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký Sắc lệnh hành pháp về Phát triển và Sử dụng AI An toàn, Bảo mật và Ðáng tin cậy (hay còn được gọi là “Sắc lệnh hành pháp về AI”), trong đó nêu rõ các mục tiêu đảm bảo an toàn cho Chính phủ Mỹ. Vài tháng sau đó, ông Biden công bố thành lập Viện An toàn AI Mỹ với sứ mệnh giảm thiểu “rủi ro của các hệ thống AI tiên tiến để Mỹ có thể khai thác tiềm năng to lớn của công nghệ mang tính đột phá này”.

Trong khi đó, tại hội nghị thượng đỉnh được tổ chức vào tháng 5-2024 ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc), hơn 16 công ty AI như OpenAI, Google, Meta và Microsoft, cũng như các công ty từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã tự nguyện cam kết phát triển AI một cách minh bạch. Riêng Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada tuyên bố thành lập các viện an toàn AI.

Ngay sau Hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI ở thủ đô Seoul, Pháp đã công bố tham vọng tổ chức hội nghị tiếp theo tại Paris. Tuy nhiên, nhiều lo ngại đã xuất hiện trong giới AI sau khi Pháp quyết định đổi tên “Hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI” thành “Hội nghị thượng đỉnh hành động về AI”. Anne Bouverot, đặc phái viên của Pháp về AI, giải thích, việc đổi tên này báo hiệu sự chuyển hướng sang chương trình nghị sự hướng tới tăng trưởng, tập trung thảo luận các chủ đề ngoài các mối quan tâm về sự an toàn.

Theo giới phân tích, động thái trên của Pháp phản ánh một cách tiếp cận có chủ đích và chiến lược để khẳng định vị thế của Paris trên trường quốc tế. Ðó cũng là một phần trong nỗ lực đáng kể hơn nhằm giảm sự phụ thuộc của Pháp vào các cường quốc lớn trong khi tăng cường uy tín của nước này với các đối tác châu Âu. Cách tiếp cận này thể hiện rõ trong cấu trúc của hội nghị khi Ấn Ðộ đóng vai trò đồng chủ tịch hội nghị để nâng cao vai trò của các quốc gia mới nổi trong việc định hình các sáng kiến AI trong tương lai. Ðặc biệt, hội nghị diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump đã quyết định hủy bỏ đạo luật kiểm soát AI của chính quyền tiền nhiệm, qua đó thúc đẩy cuộc chạy đua AI toàn cầu với những rủi ro khó lường trước.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết