02/02/2025 - 13:08

“Ván cờ lớn” Mỹ - Trung 

Khoảng 10 năm trở lại đây, cộng đồng quốc tế chứng kiến những thay đổi rõ rệt hướng tới cuộc cạnh tranh mới giữa các cường quốc. Trong đó, trật tự lưỡng cực được cho đã quay lại với màn đối đầu gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc trong “Ván cờ lớn” của thế kỷ 21.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh APEC tại Peru, tháng 11-2024. Ảnh: NYT

Khái niệm “Ván cờ lớn” bắt nguồn từ cạnh tranh giữa đế chế Anh - Nga trong thế kỷ 19 cho uy quyền tối cao ở Âu - Á. Thuật ngữ chính trị này do sĩ quan tình báo Anh Arthur Conolly đưa ra vào năm 1840 khi bàn về các biện pháp ngoại giao và can thiệp quân sự nhằm xác định lại lãnh thổ ở Trung - Nam Á.

Những năm gần đây, giới chuyên môn lần nữa đề cập “Ván cờ lớn” đang định hình lại thế giới với quy mô rộng hơn nhiều. Ở đó, sự hiện diện quân sự liên tục của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hỗ trợ ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc cho Sáng kiến ​​​ “Vành đai, Con đường” là 2 trong số những ví dụ rõ ràng nhất.

Thế cục trên bàn cờ lớn

Theo giới chuyên môn, kinh tế thịnh vượng là cần thiết để nâng cao năng lực quân sự, đảm bảo lợi ích quốc gia trước can dự của nước ngoài. Điều này đồng nghĩa cạnh tranh mở rộng vị thế và quyền lực kinh tế vẫn đóng vai trò cốt lõi trong “Ván cờ lớn” Mỹ - Trung.

Mỹ đưa tàu ngầm năng lượng hạt nhân tới tiền đồn Guam khi cạnh tranh với Trung Quốc gia tăng. Ảnh: US Navy

Những năm qua, Trung Quốc không ngừng mở rộng dấu ấn kinh tế và quân sự. Hai yếu tố đó, dưới danh nghĩa thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, đã biến nước này thành “đối thủ cạnh tranh chiến lược và là thách thức lâu dài, nghiêm trọng nhất” đối với an ninh cũng như lợi ích sống còn của Mỹ. Theo khảo sát, 89% người dân xứ cờ hoa hiện coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh - mức độ tiêu cực chưa từng có kể từ năm 1989.

Nhưng để đưa Trung Quốc lên bản đồ như siêu cường thực sự, giới chuyên môn cho rằng Bắc Kinh phải làm được như Mỹ đã làm hàng thập kỷ qua, nhất là khả năng bố trí lực lượng trên toàn cầu cũng như sẵn sàng triển khai quân khi khủng hoảng. Tham vọng này đang gặp trở ngại khi hành vi thách thức của Trung Quốc càng thúc đẩy nỗ lực của Mỹ đưa sức mạnh vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, buộc Bắc Kinh phải thận trọng trước bất kỳ chiến lược mở rộng ảnh hưởng kinh tế - quân sự nào.

Mặt khác, nhiều nhà chuyên môn không chắc Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ về kinh tế khi thu nhập bình quân đầu người của họ còn xa ngưỡng tiêu chuẩn nước thu nhập cao. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến cũng gặp nhiều khó khăn trong 4 năm tới khi nền kinh tế số 1 dưới sự điều hành của Tổng thống Donald Trump, người dọa sẽ đánh thuế 60%, thậm chí 100% lên hàng hóa Trung Quốc.

Trung Quốc lại bị hạn chế trong khả năng xây dựng liên minh, dù đã thông qua Sáng kiến “Vành đai, Con đường” tăng cường thâm nhập vào một số nước nằm trong phạm vi quyền lực kinh tế Mỹ. Nếu Mỹ dựa vào “di sản Franklin D. Roosevelt” để xây dựng liên minh với các cường quốc trải dài từ Anh đến Nhật Bản, thì “đế chế” của Trung Quốc đến nay vẫn chưa so được với quy mô Comecon - phạm vi kinh tế thời Liên Xô ở Âu - Á. Hơn nữa, nhiều bên tham gia “Vành đai, Con đường” bắt đầu quan ngại “chính sách ngoại giao bẫy nợ”, làm ảnh hưởng chính sách hướng ra nước ngoài của Bắc Kinh.

Thái Bình Dương trong “Ván cờ lớn”

Chỉ dấu về cuộc cạnh tranh mới với Trung Quốc buộc giới tinh hoa Mỹ thận trọng xem xét các điểm nóng kinh tế - địa chính trị, từ đó thăm dò quy mô hiện diện của Bắc Kinh. Trong tâm điểm giằng co, báo cáo của Viện nghiên cứu Lowy (Úc) cho biết các đảo quốc nằm rải rác khắp Thái Bình Dương đang nổi lên như ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phòng thủ của cả Mỹ lẫn Trung Quốc.

Trước đây, mối quan tâm của Bắc Kinh ở khu vực chủ yếu liên quan Đài Loan. Nhưng khi lợi ích được mở rộng, Trung Quốc ngoài vun đắp giới tinh hoa địa phương còn thông qua quyền lực mềm thâm nhập sâu vào ngoại giao, kinh tế, an ninh và quân sự ở những đảo quốc mang tầm quan trọng chiến lược. Chẳng hạn như năm 2024, nước này chi 21 triệu USD để xây tặng Vanuatu khu phức hợp gồm văn phòng tổng thống. Trước đó, Trung Quốc đã mở đại sứ quán quy mô hoành tráng ở Kiribati và muốn khôi phục đường băng quân sự Mỹ từng sử dụng trong Thế chiến thứ hai. Cảnh sát đại lục cũng tham gia vào nỗ lực bảo đảm trị an tại đây. Năm 2023, Bắc Kinh thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Quần đảo Solomon, sau thỏa thuận an ninh “bí mật” gây tranh cãi.

Bối cảnh địa chính trị Thái Bình Dương khiến những đối tác truyền thống ở khu vực như Úc, Mỹ lo ngại cán cân quyền lực thay đổi, nhất là viễn cảnh quân đội Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động gần “chuỗi đảo thứ 2”. Để đẩy lùi sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc, Úc gần 10 năm qua đã mở thêm 6 đại sứ quán mới. Canberra cũng đa dạng nguồn tài chính hỗ trợ nhu cầu phát triển ở Thái Bình Dương, đơn cử như cam kết đầu tư gần 12 triệu USD giúp khu vực mở rộng kết nối mạng dữ liệu và phát triển kinh tế kỹ thuật số. Úc còn tài trợ 271 triệu USD cho sáng kiến mở rộng quy mô lực lượng cảnh sát khu vực giữa lúc một số đảo quốc bày tỏ sẵn sàng thiết lập quan hệ an ninh với Trung Quốc.

Về phần mình, từ năm 2017, Mỹ đã lập thêm 18 đại sứ quán ở Thái Bình Dương. Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương năm 2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết bổ sung hàng trăm triệu USD viện trợ cho các dự án giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chống đánh bắt trái phép và cải thiện y tế công ở khu vực. Ông Biden khẳng định cam kết đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng và an toàn. Nhà Trắng còn ký thỏa thuận an ninh - kinh tế mới với Palau, Quần đảo Marshall và Liên bang Micronesia, cho phép Washington bố trí cơ sở quân sự trên vùng trung tâm của Thái Bình Dương.

Một số đồng minh thân cận của Mỹ, chẳng hạn như Nhật Bản, nhiều năm qua cũng tăng cường hỗ trợ các nước Thái Bình Dương xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển năng lượng tái tạo. Là một phần trong chiến lược các chuỗi đảo, Tokyo gần đây chuyển sang làm quen với vai trò đối tác an ninh ở khu vực. Không chỉ củng cố năng lực ứng phó thiên tai và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực không gian vũ trụ, phòng thủ mạng và trí tuệ nhân tạo, Nhật còn đào tạo sĩ quan trẻ cho Fiji, Papua New Guinea và Tonga. Các bên cũng làm việc về kế hoạch hành động chung tăng cường các chuyến ghé thăm của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

 

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết