06/09/2013 - 14:10

Quốc hội Mỹ bàn kế hoạch tấn công Syrie

“Tín hiệu xanh” từ Ủy ban Đối ngoại Thượng viện

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (giữa) trong phiên điều trần tại Hạ viện hôm 4-9. Ảnh: Reuters

Kế hoạch tấn công Syrie của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama được cho đã “bước qua cửa ải” đầu tiên ở quốc hội khi Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 4-9 phê chuẩn nghị quyết về việc sử dụng vũ lực chống chính quyền Bashar al-Assad, mở đường cho cuộc tranh luận tại Thượng viện.

“Chưa chắc đã thắng”

Trong bối cảnh chia rẽ, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn nghị quyết sửa đổi do chính quyền Obama đệ trình, sau cuộc bỏ phiếu với kết quả 10 phiếu thuận và 7 phiếu chống. Theo đó, Washington sẽ được phép can thiệp quân sự vào Syrie trong thời hạn 90 ngày và không được triển khai bộ binh cho mục đích tác chiến.

Dù vậy, khi Quốc hội Mỹ trở lại làm việc vào hôm 9-9, toàn bộ Thượng viện sẽ tiếp tục bước vào quá trình tranh luận và tiến hành bỏ phiếu mang tính quyết định về việc sử dụng vũ lực trừng phạt “chính quyền al-Assad sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường”. Cũng trong tuần tới, Hạ viện Mỹ, nơi mà chính quyền Obama được dự báo sẽ đối mặt với cuộc bỏ phiếu cam go hơn, sẽ bắt đầu xem xét dự thảo nghị quyết sử dụng vũ lực chống Syrie, mặc dù thời gian bỏ phiếu vẫn chưa được xác định.

Theo nhận định của hãng tin Pháp AFP, việc chiến thắng với tỷ lệ sít sao trong cuộc bỏ phiếu vừa qua tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho thấy sự đắn đo, lưỡng lự của giới lập pháp Mỹ ở hai phe Dân chủ và Cộng hòa, đặc biệt lo ngại hành động can thiệp Syrie có thể sẽ đẩy nước Mỹ vào “bãi lầy” khác, khiến bạo lực ở khu vực Trung Đông thêm leo thang. Ở Hạ viện, một nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa dự đoán đa số các thành viên đảng Cộng hòa sẽ bỏ phiếu chống. Nhiều nghị sĩ Dân chủ theo đường lối tự do cũng tuyên bố sẽ phản đối việc sử dụng vũ lực đối với Syrie.

Lầu Năm Góc tăng cường hỗ trợ phe nổi dậy Syrie

Giới chức Mỹ hôm 4-9 cho biết Washington đang cân nhắc mở rộng sự hỗ trợ cho các tay súng nổi dậy ở Syrie qua việc chuyển giao sứ mệnh vũ trang và huấn luyện lực lượng này từ Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) sang Bộ Quốc phòng Mỹ.

Sau kết luận Damas sử dụng khí độc sarin trong cuộc tấn công quy mô nhỏ hồi tháng 6 vừa qua, chính quyền Obama đã quyết định bắt tay vào việc trang bị vũ khí cho phe nổi dậy thông qua các hoạt động bí mật của CIA. Tuy nhiên, khi vụ tấn công bằng khí độc lớn hơn xảy ra hôm 21-8, giới chức tại Washington quyết định xem xét viện trợ bổ sung cho các tay súng nổi dậy, bao gồm vũ khí, huấn luyện và cả sự giúp sức của đặc nhiệm Mỹ.

Damas quyết không nhượng bộ

Trong cuộc phỏng vấn với AFP hôm 4-9, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Syrie Faisal Muqdad tuyên bố Damas sẽ không lùi bước trước những lời đe dọa về một cuộc tấn công của phương Tây do Mỹ phát động. Ngoài việc cảnh báo sẽ đưa ra “mọi biện pháp” để đáp trả cuộc tấn công của phương Tây, ông Muqdad còn cho rằng Syrie đang huy động các đồng minh của mình cũng như “đã nhận được mọi sự hỗ trợ” để đối phó với cuộc tấn công mà Mỹ đang lên kế hoạch.

Trong khi đó, trước thông tin phải mất ít nhất 1-2 tuần mới có được kết quả phân tích các mẫu vũ khí hóa học của vụ tấn công ở Syrie, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon vừa lên tiếng kêu gọi đẩy nhanh tiến trình phân tích các mẫu vật vì lo ngại Mỹ sẽ sớm tấn công Damas, đặc biệt khi Washington đang tăng tốc “vận động hành lang” cho chiến dịch không kích “giới hạn” của họ.

THANH BÌNH (Tổng hợp)

Syrie khuyến cáo Pháp

Chủ tịch Quốc hội Syrie Mohammad Jihad al-Laham ngày 4-9 đã hối thúc Pháp “cân nhắc” trước khi ra quyết định can thiệp quân sự vào quốc gia này.

Trong bức thư gửi Chủ tịch Thượng viện Jean-Pierre Bell và Chủ tịch Quốc hội Pháp Claude Bartolone, ông al-Laham nhấn mạnh rằng bất chấp tấn bi kịch tại Iraq, một số thế lực đang muốn phát động một cuộc chiến khác để phá hủy Syrie, dẫn đến xung đột phe phái lớn trong khu vực và làm gia tăng cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay.

Ông al-Laham khẳng định cuộc chiến đó là bất hợp pháp vì Syrie là quốc gia có chủ quyền không tạo ra mối đe dọa đối với Pháp và vì Hội đồng Bảo an LHQ không phê chuẩn hành động xâm lược đó. Ông cũng lưu ý rằng các thanh sát viên của LHQ vẫn chưa công bố kết quả điều tra, trong khi trước đó tổ chức này đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy những kẻ “khủng bố cực đoan” sử dụng vũ khí hóa học chống lại các binh sĩ Syrie và dân thường vô tội. Chủ tịch Quốc hội Syrie cũng cảnh báo rằng việc can thiệp quân sự sẽ làm suy yếu chính quyền nước này cũng như tăng cường sức mạnh cho mạng lưới khủng bố al-Qaeda.

 

Chia sẻ bài viết