11/10/2010 - 21:33

“Thước đo” chất lượng đào tạo đại học

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học (KĐCL GDĐH) là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường. Xác định vai trò quan trọng này, từ nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) trên cả nước thực hiện, trong đó có TP Cần Thơ. Tuy nhiên, thời gian qua, trong quá trình thực hiện không ít trường vẫn còn gặp khó khăn, lúng túng...

* Điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai KĐCL GDĐH theo mô hình được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Đó là quá trình tự đánh giá của các cơ sở giáo dục ĐH và sau đó thực hiện đánh giá ngoài (các cơ sở bên ngoài đánh giá chất lượng giáo dục của đơn vị) bởi một tổ chức không thuộc các cơ sở giáo dục đó để công nhận tiêu chuẩn chất lượng. Việc xác định xuất phát điểm, khẳng định được vị trí hiện tại của đơn vị... là điều quan trọng để các trường có kế hoạch duy trì, cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo. KĐCL GDĐH giúp các trường khẳng định vị thế trong xã hội về mặt chất lượng đào tạo, cũng như giúp học sinh, phụ huynh an tâm khi chọn học. Năm 2004, Trường ĐH Cần Thơ là một trong 10 trường ĐH triển khai công tác tự đánh giá. Năm 2005, trường bắt đầu đánh giá ngoài và gửi báo cáo về Bộ GD&ĐT. Tháng 2-2009, Bộ GD&ĐT có công văn công nhận các tiêu chí của Trường ĐH Cần Thơ đạt chuẩn quốc gia là 92,8%. Song song đó, trường còn áp dụng mô hình đảm bảo chất lượng EFQM của châu Âu, chọn lọc những ưu điểm mà áp dụng vào chương trình đào tạo của trường. Đồng thời, trường còn KĐCL chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn hệ thống các trường châu Á (AUN), nhằm giúp sinh viên có điều kiện tham gia học tập ở nước ngoài. Cụ thể, năm 2009, trường kiểm định 12 chương trình đào tạo và thành lập nhiều đoàn để kiểm tra chéo; kết quả có 9 chương trình đào tạo đạt yêu cầu. Năm 2010, trường kiểm định 16 chương trình đào tạo...

Sinh viên ngành Chăn nuôi, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đang thực hành trên mô hình. 

Trường ĐH Cần Thơ đã thành lập Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Khảo thí, do Dự án Giáo dục Việt Nam- Hà Lan hỗ trợ. Khi KĐCL chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN, trường còn lồng ghép vào các hoạt động nhật ký giảng dạy để quản lý giờ lên lớp của giảng viên; phiếu nhận xét học phần và phiếu góp ý của sinh viên, cựu sinh viên, nhà sử dụng lao động về chương trình đào tạo để trường điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế... Ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Việc triển khai thực hiện KĐCL đã góp phần nâng cao hơn chất lượng đào tạo của trường”.

Không riêng gì Trường ĐH Cần Thơ, các trường CĐ như: CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ... đã thực hiện đánh giá trong và đang chờ đánh giá của Bộ GD&ĐT. Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, từ năm 2007, trường đã thực hiện đánh giá trong từ khâu quản lý, đào tạo đến nghiên cứu khoa học... đều đạt kết quả khá toàn diện, chỉ chờ Bộ GD&ĐT cử đoàn đến trường thẩm định. Ông Long cho biết: “Những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng được qui định cụ thể trong các văn bản của Bộ GD&ĐT đã giúp trường định hướng kế hoạch, lộ trình cụ thể hơn. Từ đó, giúp trường nỗ lực hoàn thiện, nâng cao chất lượng đào tạo. Dựa vào những tiêu chuẩn mà trường đạt được, Bộ GD&ĐT sẽ thẩm định, đánh giá và xếp hạng chất lượng từng trường, giống như tiêu chuẩn ISO”.

* Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo ông Nguyễn Khánh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Khảo thí, Trường ĐH Cần Thơ, nguồn kinh phí cho hoạt động KĐCL còn “khiêm tốn”, kinh phí đa phần do Dự án Giáo dục Việt Nam- Hà Lan hỗ trợ. Cán bộ chuyên trách công tác KĐCL không nhiều, một số cán bộ ở các đơn vị trực thuộc trường tham gia KĐCL đa phần kiêm nhiệm nên ít nhiều gặp khó khăn, đôi lúc tiến độ công việc còn chậm. Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Hiệu Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, cho rằng: “Công việc KĐCL giống như công tác thanh tra, kiểm tra- vấn đề khá nhạy cảm, đòi hỏi cán bộ thực hiện công tâm, dành khá nhiều thời gian, công sức, trong khi đó chi phí chi cho hoạt động này không nhiều nên ít nhiều gặp khó khăn”.

Cùng với việc hạn chế về kinh phí, trong các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục có tiêu chuẩn về người học, về mức độ người tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội- vấn đề không ít trường băn khoăn. Bởi hiện nay, hầu hết các đơn vị đều chưa thể thống kê chính xác sinh viên ra trường có việc làm bao nhiêu. Đơn cử như Trường ĐH Cần Thơ, nhiều năm qua đều có phát phiếu khảo sát việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Hằng năm, trường có khoảng 4.000 sinh viên tốt nghiệp, nhưng số lượng phiếu phát ra chỉ có trên 2.000 phiếu và thu lại khoảng 40%. Dựa trên số phiếu thu được có trên 75% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp. Tại Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ cũng thực hiện công tác này, thậm chí điện thoại cho từng sinh viên tốt nghiệp ra trường. “Tuy nhiên, qua thống kê có khoảng 75% học sinh bậc trung cấp ra trường có việc làm. Đây chỉ là con số tương đối, trường không thể thống kê được tất cả sinh viên. Vả lại, sinh viên cao đẳng khóa đầu tiên vẫn chưa ra trường nên chưa thể đánh giá chất lượng như thế nào từ phía đơn vị sử dụng lao động”-, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ cho biết.

Một vấn đề khác là việc đánh giá các đơn vị đạt tiêu chí đảm bảo chất lượng, do Bộ GD&ĐT thẩm định vẫn còn chậm. Sự chậm trễ này khiến cho kết quả kiểm định các trường chưa công bố đã lạc hậu. Đơn cử như Trường ĐH Cần Thơ, đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, được đánh giá ngoài nhưng đến giờ vẫn chưa có quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của Bộ GD&ĐT. Còn Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ đã thực hiện đánh giá trong vào năm 2008. Năm 2009, qua nhiều lần góp ý, chỉnh sửa, trường đã gửi báo cáo đánh giá về Bộ GD&ĐT, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Ông Nguyễn Thành Long, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: “Trường báo cáo đánh giá tổng thể các mặt hoạt động vào năm 2008, nhưng đến nay là năm 2010. Do vậy, khi Bộ GD&ĐT thẩm định sẽ có độ vênh. Bởi sau 2 năm, nguồn lực phát triển của trường tăng khá nhanh, có những chỉ tiêu đạt cao hơn so với mức dự kiến phấn đấu. Ví dụ như, chương trình đào tạo của trường đã hoàn thiện lần thứ 3 để phù hợp với yêu cầu xã hội, đội ngũ cán bộ, giảng viên phát triển mạnh về số lượng lẫn chất lượng, đồng bộ về cơ cấu...”.

* * *

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng phải khẳng định rằng việc thực hiện KĐCL GDĐH có vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá chất lượng đào tạo ở mỗi trường. Theo các nhà quản lý giáo dục, để công tác KĐCL GDĐH thực sự đạt hiệu quả, cơ quan chủ quan nên giao quyền tự chủ hơn cho các trường, đồng thời có cơ chế chính sách bồi dưỡng cho những cán bộ làm công tác KĐCL, rà soát lại những tiêu chí phù hợp với chuẩn giáo dục của một số nước tiên tiến. Mặt khác, khâu kiểm tra, thẩm định của Bộ GD&ĐT cần được thực hiện nhanh chóng hơn để tránh sự lạc hậu. Điều quan trọng là Bộ GD&ĐT cần thẩm định, kiểm tra thường xuyên để KĐCLGDĐH không mang tính hình thức.

Bài, ảnh: B. KIÊN

Chia sẻ bài viết