09/08/2019 - 12:17

“Ruồi lính đen” giúp Singapore tái chế thực phẩm thừa 

Tại nông trại côn trùng nội ô đầu tiên ở Singapore - Insectta, ruồi lính đen được nuôi để lấy ấu trùng phục vụ việc tái chế thực phẩm thừa thành phân bón, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa giúp “Đảo quốc sư tử” giải quyết lượng rác thực phẩm khổng lồ.

Cô Chua Kai-Ning đồng sáng lập nông trại nuôi ấu trùng ruồi lính đen Insectta.  Ảnh: SCMP

Cô Chua Kai-Ning đồng sáng lập nông trại nuôi ấu trùng ruồi lính đen Insectta.  Ảnh: SCMP

Cô Chua Kai-Ning và các nhà đồng sáng lập trẻ tuổi đã nảy ra ý tưởng trên khi họ tìm kiếm giải pháp bền vững để xử lý cuộc khủng hoảng thực phẩm thừa tại quốc gia Đông Nam Á. Thực phẩm thừa chiếm khoảng 10% lượng chất thải ở Singapore, nhưng chỉ 17% trong số này được tái chế, còn lại thì bị thiêu hủy. Hoạt động này có thể dẫn đến những tác động xấu đối với môi trường, bao gồm phát thải khí nhà kính.

Trong khi đó, ấu trùng ruồi lính đen có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng rác thực phẩm bằng cách “tiêu hóa” hết phụ phẩm mà các nhà sản xuất đậu nành và các nhà máy bia thủ công địa phương thải ra.

Đặc tính của ruồi lính đen là không cắn, đốt hoặc gây bệnh truyền nhiễm cho người và chúng lớn nhanh chỉ trong 2 tuần nên cũng dễ nuôi. Tại Insectta, hơn 1 triệu con ruồi lính đen sống trong hốc giao phối, giúp duy trì số lượng côn trùng trong nông trại. Ấu trùng ruồi có thể ăn hầu hết các chất hữu cơ và tiêu thụ lượng thức ăn lớn gấp 4 lần trọng lượng cơ thể chúng mỗi ngày. Lượng phân thải ra sau đó được đội ngũ Insectta xử lý thành phân bón để bán cho nhà nông. Mỗi tháng, nông trại này phân hủy khoảng 6,5 tấn thực phẩm thừa thành 2.700 lít phân hữu cơ. Các cơ sở nuôi thú cưng và cá xung quanh Insectta cũng hưởng lợi khi họ luôn có sẵn nguồn cung ấu trùng giàu đạm dùng làm thức ăn cho các con vật, khoảng 300kg/tháng.

Ruồi lính đen và ấu trùng.

Ruồi lính đen và ấu trùng.

Nhằm giới thiệu thành quả đến người dân Singapore, hồi tháng 6 vừa qua Insectta đã đặt một thùng ấu trùng ngay tại trung tâm thương mại Plaza Singapura. Tại đây, những người mua sắm có thể vứt thức ăn vụn vào thùng và tận mắt chứng kiến ấu trùng “biến” chúng thành phân bón. Phấn khích trước phản hồi tích cực, nhóm dự định nhân rộng chương trình đến các trường học và xí nghiệp.

Tại đất nước nổi tiếng sạch sẽ như Singapore, nông trại côn trùng là khái niệm hoàn toàn mới lạ. Do vậy, buổi đầu nhóm của Chua đã phải hợp tác với giới chức thành phố để vạch ra khung pháp lý cũng như thực hiện nhiều thí nghiệm nhằm tìm được điều kiện tốt nhất để ấu trùng “hạnh phúc”. Hiện nay quy mô của Insectta rộng 200m2, tăng gần gấp 3 lần so với khi ra mắt hồi tháng 3-2018. Nông trại chỉ hoạt động 1/3 công suất, nên nhóm hy vọng trong tương lai có thể thu gom thực phẩm thừa nhiều hơn nữa từ các quầy thức ăn và nhà hàng trên khắp Singapore.

Được biết ngoài Singapore, việc nuôi ruồi lính đen với mục đích xử lý rác thực phẩm cũng đang được tiến hành ở nhiều nước như Indonesia, Trung Quốc và Nam Phi. Đây là một nỗ lực đáng kể trong bối cảnh hiện có đến 1/3 lượng thức ăn được tạo ra trên toàn cầu bị vứt bỏ, tổng cộng khoảng 1,3 tỉ tấn/năm. Nếu thực phẩm thừa là một quốc gia, thì đây sẽ là “thủ phạm” phát thải khí nhà kính lớn thứ ba trên thế giới.

HẠNH NGUYÊN (Theo SCMP, Reuters)

Chia sẻ bài viết