19/05/2012 - 21:37

“Phòng thủ thông minh”

Hôm nay, hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ chính thức khai mạc tại Chicago. Đây là lần đầu tiên trong vòng 13 năm qua, hội nghị thượng đỉnh NATO quay trở lại đất Mỹ. Hội nghị lần này được coi là “Thượng đỉnh của việc thực thi” những hứa hẹn đã đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh cách đây 2 năm ở Lisbon (Bồ Đào Nha), theo đó sẽ có “lộ trình rõ ràng hơn” cho việc hoàn tất cuộc chuyển giao và tái đảm bảo cam kết của NATO đối với nền an ninh lâu dài của Afghanistan, duy trì khả năng phòng thủ của NATO trong thời đại “thắt lưng buộc bụng” và xây dựng một lực lượng sẵn sàng đối phó các thách thức trong tương lai trên cơ sở tăng cường sự can dự của các đối tác và chia sẻ trách nhiệm của các nước thành viên trong các chiến dịch và hoạt động của NATO.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Lisbon năm 2010, các nhà lãnh đạo NATO đã cơ bản thống nhất việc rút hầu hết lực lượng chiến đấu khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014, chuyển giao trách nhiệm kiểm soát an ninh cho quân đội nước sở tại. Vấn đề cần phải bàn tại hội nghị lần này là cách thức chuyển giao, một lượt hay từng bước kéo dài tới thời hạn chót để đảm bảo không làm xáo trộn tình hình ở Afghanistan, duy trì vai trò và ảnh hưởng của NATO tại quốc gia Nam Á này trong bối cảnh phiến quân Taliban tăng cường hoạt động chống phá và một số nước thành viên NATO đánh tiếng “sẽ rút quân sớm” vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có vấn đề về ngân sách và làn sóng phản chiến trong nước gia tăng.

Chuyện hỗ trợ tài chính cho Afghanistan sau năm 2014 cũng cần thiết, nhưng mức đóng góp là bao nhiêu thì “hợp túi tiền”ngày càng eo hẹp của NATO và đáp ứng yêu cầu mà chính quyền Afghanistan đã từng nêu ra để đổi lấy thỏa thuận hợp tác chiến lược lâu dài giữa hai bên. Đó là chưa tính tới chuyện chia “tỷ lệ trách nhiệm đóng góp”, cũng nan giải không kém, khi “cơn bão nợ” kéo dài hai năm qua vẫn hoành hành nhiều quốc gia thành viên NATO. Đây cũng là nguyên do vì sao, cách đây hai năm, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đề xuất ý tưởng “Phòng thủ thông minh”nhằm giúp liên minh quân sự này vẫn có thể “làm nhiều với túi tiền ít”.

Sáng kiến của Rasmussen đại khái là huy động thế mạnh riêng của từng nước đã được tập trung chuyên môn hóa theo điều kiện thực tế. Chẳng hạn, các thành viên có thể đóng góp một nguồn lực cụ thể nào đó như máy bay trinh sát không người lái, đồng thời phải sẵn sàng tham gia chiến dịch, hoặc cho phép những thành viên khác sử dụng nguồn lực này.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng có 3 lý do khiến đề xuất của Rasmussen khó thành hiện thực. Thứ nhất, việc thuyết phục chính phủ các nước tập trung “cộng tác phòng thủ” trong thời buổi này là không dễ dàng. Đối với các chính trị gia phương Tây, vấn đề chính hiện thời là cuộc khủng hoảng của đồng euro và kinh tế toàn cầu. Nói cách khác, cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra mới là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của phương Tây. Thứ hai, chính phủ nhiều nước thành viên NATO chỉ chia sẻ khả năng quốc phòng nếu họ có thể tin một nước khác cũng sẽ triển khai tiềm lực như vậy khi họ cần. Sau cuộc chiến tại Libye, niềm tin ấy đã bị xói mòn. Anh và Pháp hăng hái dẫn đầu chiến dịch không kích Libye, nhưng Đức và Ba Lan thì chọc giận các nước đồng minh bằng cách đứng ngoài sứ mệnh này. Giới quân sự Anh và Pháp tự hỏi liệu họ có thể chia sẻ năng lực quốc phòng với Berlin. Và thứ ba, cũng là lý do cốt lõi, chính phủ nhiều nước không muốn giao cái cán mà họ đang nắm giữ trên tổ hợp công nghiệp-quân sự của họ cho nước khác bởi với họ, đó mới là cách “phòng thủ” thông minh nhất!

NHẬT QUANG

Chia sẻ bài viết