27/09/2018 - 15:16

“Khẩu chiến” Mỹ - Iran tại Liên Hiệp Quốc 

Đáp lại bài diễn văn của Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi cộng đồng quốc tế “cô lập” Iran, Tổng thống Hassan Rouhani bác bỏ mọi khả năng tái đàm phán với Washington, đồng thời cáo buộc Mỹ đang tìm cách lật đổ chính quyền Tehran.

Hôm 25-9, Tổng thống Trump lần thứ hai phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) với phần lớn nội dung nhắm vào Iran. Trong lập luận mang tính công kích, ông Trump cáo buộc giới lãnh đạo nước này “tham nhũng, tài trợ khủng bố, gieo rắc sự hỗn loạn, chết chóc và hủy diệt trên khắp Trung Đông”. Bảo vệ quyết định rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, ông Trump tuyên bố sẽ áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế lên Tehran. Lãnh đạo Mỹ đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cô lập Iran nếu “họ tiếp tục các hành động gây hấn”. Theo đó, quốc gia Trung Đông bị tố “không tôn trọng các nước láng giềng, biên giới hoặc chủ quyền những quốc gia khác”, ông Trump nhấn mạnh.

Tổng thống Rouhani (trái) và lãnh đạo Mỹ tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ. Ảnh: Dawn

Đáp lại, Tổng thống Iran khẳng định việc đối đầu với chủ nghĩa đa phương không đại diện cho sức mạnh mà là biểu hiện của “sự kém trí tuệ”. Ông Rouhani cảnh báo an ninh thế giới đang bị đe dọa bởi một số quốc gia “liều lĩnh và coi thường” các giá trị cùng thể chế quốc tế. Diễn văn của lãnh đạo Iran đặc biệt chỉ trích “sự thù địch” của chính quyền Trump đối với Tehran thông qua quyết định rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) đạt được năm 2015. Theo ông Rouhani, biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ nhắm vào Tehran là hình thức “khủng bố kinh tế”. Washington cũng bị cáo buộc đang theo đuổi kế hoạch đảo chính tại Iran trong lúc vẫn đưa ra đề nghị đàm phán. Về khả năng đối thoại, quan điểm của Tổng thống Rouhani là không có quốc gia nào bị áp đến bàn đàm phán bằng vũ lực. Qua đây, ông khẳng định bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng nên diễn ra trong bối cảnh đa phương của thỏa thuận năm 2015. Trong đó, tiến trình đối thoại phải được bắt đầu bằng việc chấm dứt những lời đe dọa và các lệnh trừng phạt “bất công”.

Chống tư tưởng toàn cầu hóa

Ngoài mục tiêu Iran, bài diễn văn 35 phút của Tổng thống Trump còn tái khẳng định chính sách “Nước Mỹ trên hết” thông qua tuyên bố phản đối chủ nghĩa toàn cầu hóa và yêu cầu các nước tôn trọng chủ quyền lẫn nhau. Ông Trump từng nói rõ không bao giờ giao chủ quyền quốc gia cho “cơ quan toàn cầu vô trách nhiệm và không qua bầu cử”. Ông nêu rõ “Nước Mỹ do người Mỹ lãnh đạo”, đồng thời bác bỏ “tư tưởng toàn cầu hóa”.

Trong bài diễn văn hùng hồn trước các lãnh đạo thế giới, ông Trump không ngần ngại ca ngợi chính quyền của mình: “Tôi đứng trước Đại hội đồng LHQ để chia sẻ về những tiến bộ phi thường chúng tôi đã đạt được. Trong chưa đầy 2 năm, chính quyền của tôi đã có được thành tựu nhiều hơn bất kỳ chính quyền nào khác trong lịch sử của đất nước mình”. Ông Trump khẳng định nước Mỹ hiện “hùng mạnh hơn, an toàn hơn và giàu có hơn” thời kỳ ông mới nhậm chức. Và điều này là do chính quyền của ông đang đứng lên, hành động “vì nước Mỹ, vì người dân Mỹ”. Các đại biểu dự họp đã cười ồ lên trước những lời tuyên bố của ông Trump.

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump nhấn mạnh Mỹ sẽ chỉ cung cấp viện trợ cho các nước mà Washington coi là đồng minh. Theo ông Trump, Washington sẽ xem xét tính “hiệu quả và hợp lý” cũng như sự bảo vệ của Mỹ có cùng mối quan tâm với nước được viện trợ hay không. Theo ông, trên hết, Mỹ chỉ cung cấp viện trợ cho những nước “tôn trọng và thực sự là bạn”. Lãnh đạo Nhà Trắng thậm chí chia các quốc gia trên thế giới thành hai phe “bạn bè” và “kẻ thù”.

Đáp trả thông điệp của lãnh đạo Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chống lại “luật của kẻ mạnh” bởi điều này “không bảo vệ bất cứ ai”.  Trong lập luận ủng hộ chủ nghĩa đa phương, ông Macron khẳng định Pháp không từ bỏ nguyên tắc chủ quyền nhưng nó cũng không nên bị lợi dụng như món vũ khí chống lại giá trị toàn cầu. Tuy không chỉ trực tiếp ông Trump, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres trước đó cũng lên tiếng cảnh báo trật tự thế giới đang “ngày càng hỗn loạn” và viễn cảnh thế giới đang tiến gần chủ nghĩa dân túy và đơn phương, mở ra nguy cơ xung đột toàn cầu.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết