17/07/2011 - 09:43

Xin đừng bôi bác tác phẩm văn học !

Hình ảnh chị Dậu trong “truyện tranh mới”.
Ảnh: truyentranhmoi.com

Sau một số truyện tranh cổ tích Việt Nam, gần đây nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam cũng được chuyển thành truyện tranh, được “hiện đại hóa”, thêm vào những chi tiết phản cảm, bạo lực.

Công ty Truyền thông, giáo dục và giải trí Phan Thị là đơn vị tiên phong trong việc “tranh hóa” các tác phẩm văn học Việt Nam, với tủ sách “Truyện tranh danh tác Việt Nam” như: “Chí Phèo” (Nam Cao), “Giông Tố” (Vũ Trọng Phụng), “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố)... Tiếp theo, nhiều nhà xuất bản cũng sản xuất truyện tranh phỏng theo tác phẩm văn học và rộ lên thành một “phong trào”.

Điều đáng nói là những quyển truyện tranh này chứa đầy “sạn”. Chẳng hạn truyện tranh “Chí Phèo” đã “sáng tạo” ra nhiều câu thoại tục tĩu, phản cảm. Truyện còn thêm thắt, lồng vào những câu thoại hiện đại không phù hợp với bối cảnh, không hề có trong nguyên tác như: “Anh nói đó nhe!”, “Tin chết liền”, “Bó tay!”...

Tiểu thuyết “Giông tố” có đề cập đến tình yêu của Long và Thị Mịch nhưng đó chỉ là cái cớ để tác giả nói đến những trái ngang trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Nhưng biến thành truyện tranh, đã bị cải biên thành mối tình tay ba, tay bốn giành giật nhau...

Nhìn chung, trong phần lớn truyện tranh, nhiều chi tiết văn học đắt giá trong nguyên tác đã bị cắt gọt hay “sáng tạo” một cách thô bạo.

Về hình thức, các nhân vật được tạo hình không giống với những gì mà tác phẩm nguyên gốc miêu tả, xa lạ với người Việt. Có nhân vật giống hệt truyện tranh Nhật Bản, Hàn Quốc hay phim hoạt hình châu Âu. Chị Dậu trong tiểu thuyết của Ngô Tất Tố lam lũ, đói rách với vẻ ngoài đầy khắc khổ nhưng khi vào truyện tranh trở thành một cô gái đẹp tuổi mới lớn với đôi mắt to, tròn, long lanh (!) giống hệt nhân vật nữ sinh trong truyện tranh Nhật Bản. Nhân vật Chí Phèo thì giống một ác quỷ, mặt mày dị dạng.

Trong khi thị trường sách tràn ngập truyện tranh nước ngoài đầy bạo lực và tình dục thì “truyện tranh hóa” tác phẩm văn học với hình ảnh, màu sắc sinh động, gần gũi, xuất phát từ ý đồ tốt đẹp. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, những quyển truyện tranh này đã tạo ra sự lệch lạc về thẩm mỹ và ý nghĩa, làm hoen ố, bôi đen những giá trị nhân văn, hiện thực.

Nhà sản xuất nào cũng nêu ra: “Truyện tranh hóa danh tác là muốn “truyền thông văn hóa Việt”, tạo “kênh” tiếp cận mới cho độc giả trẻ, vực dậy niềm đam mê văn học ở lớp trẻ” nhưng những gì thể hiện là ngược lại. Than ôi!

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết