26/08/2017 - 17:30

Mùa nước nổi 

Tùy bút: Vũ Thống Nhất

Cụ Vương Hồng Sển xác quyết rằng chính mùa nước nổi khiến châu thổ Cửu Long thành nơi Phật địa, là cõi thiên đàng ở nơi địa cầu này.

Mênh mông mùa nước nổi.

1. "Mùng 5 tháng 5" con nước sẽ “quay”; tháng 6 “nước son” dồi dào sản vật; cho đến “tháng 7 mưa ngâu”, “tháng 7 nước nhảy khỏi bờ”. Vậy là mùa nước nổi lại về, cho đến rằm tháng 10 vô thời nước rút.

Vào mùa "con nước nhảy bờ" kéo dài tới vài tháng này, sức sống hạ lưu sông Mê Công vụt bừng tỉnh, sung mãn, ngồn ngộn. Không gian châu thổ tứ bề căng tràn sức sống, đỏ sậm phù sa. Bình minh uốn mình cực thấp, miên man giật từng con nước. Cá “bục đồng” quẫy tràn mặt ruộng. Nước từ thượng nguồn đổ về ào ạt dâng cao, xiết chặt dần Thất Sơn ngất nghểu chót vót đồng bằng.

Mùa nước nổi, với bản sắc riêng có, là “đặc sản” cuối trời Nam. Cả dải đất hình chữ S, chỉ châu thổ Cửu Long mới kiến tạo ra “văn hóa mùa nước nổi”. Làng nổi Châu Đốc (An Giang), Cái Răng (Cần Thơ)... đã được người Pháp thích thú ghi vô sách từ đầu thế kỷ trước. Chẹt, ghe, xuồng… với lưới, đăng, đơm, đó, đáy… giăng giăng khắp đồng trên rạch dưới. Tiếng gọi bạn ghe vọng đồng xa giữa cơn mưa xối xả, thâu đêm suốt sáng.

Mùa nước đổ khiến cụ Vương Hồng Sển viết đầy cảm xúc: Đất Nam Vang có Biển Hồ làm túi chứa nước, đất Nam Kỳ có đến hai túi như vậy là Đồng Tháp Mười và đồng Cà Mau. Mỗi năm mùa nước đổ, nước rút thì hai túi ngậm, nhả nước ra chan hòa từng miếng ruộng nhỏ, làm cho con cá cứ đời đời luân chuyển, sanh sanh đẻ đẻ làm sinh thực nuôi sống cả con dân Nam Việt… Rõ là lộc trời sanh đế, là nơi Phật địa, là cõi thiên đàng ở nơi địa cầu này vậy (trích “Tự vị tiếng nói miền Nam” của cụ Vương Hồng Sển).

Đến tận bây giờ, người miền Tây chánh hiệu vẫn không quen từ “lũ”. Giữa mùa nước đổ năm 2014, ghé thăm ông Nguyễn Văn Nhị, An Giang, người có công lớn với Đề án 31 nhằm khai thác nguồn lợi mùa nước nổi, nghe ông lý giải: Lũ là nước trên cao bất ngờ đổ xuống nơi thấp chứ không phải dâng từ từ, theo “lịch” hẹn trước như vầy.

Có vô miền Tây nên chọn mùa mưa, mùa nước nổi, tôi dặn bạn bè vậy. Đó là thời điểm tính cách Đất và Người đồng bằng bộc lộ rõ nhất; thiên nhiên biến ảo quyến rũ, kỳ thú nhất.

 Hái bông điên điển.

Nước không về, bộn bề nỗi lo. Mới hai năm trước, làm một vòng từ đầu nguồn sông Tiền (Hồng Ngự- Đồng Tháp), qua phà Tân Châu, vọt lên đầu nguồn sông Hậu (An Phú- An Giang), đi đâu cũng nứt nẻ ruộng khô. Dân xã Khánh An (An Phú- An Giang) mấy năm liền ngóng hoài cá, tôm, cua, ốc, rắn, bông súng… bên kia biên giới đưa qua. Cả miền Tây nháo nhào. Dân bỏ xứ mưu sinh thấy rầu. Nước kém, tiếng trống Paranưng lễ hội người Chăm ở Búng Bình Thiên (An Phú- An Giang) như kém phần sôi động. Bồng bềnh trên ghe sông Tiền sông Hậu nhạt nhòa ly rượu đế…

Người miền Tây tha hương lặn sâu ký ức hình ảnh những ngôi nhà sàn cao cẳng, chùm bông điên điển vàng rực vượt trên biển nước, nhịp ghe tất bật đầu vàm của mẹ của cha... "Con ơi mùa nước nổi/Tía ơi con nhớ nhà” (Mênh mông mùa nước nổi, Xuân Vy).

2. Sông nước Nam bộ độc đáo ngay từ cách gọi. Mùa nước nổi còn là mùa nước lên, nước lớn, nước son, nước nhảy bờ… Bởi mới có câu” “Nước không chưn (chân) sao gọi con nước lớn/Cá không thờ sao lại gọi cá linh”.

Cá linh, bông (chứ không kêu hoa) điên điển báo hiệu mùa nước lên. “Canh chua điên điển cá linh/Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon”. Cá linh đầu mùa bé như đầu đũa, dân bản địa kêu cá linh non hay cá linh sữa, xương mềm, bụng mỡ béo ngậy, ngọt thịt nhất, chế biến dễ ợt. Khỏi đánh vẩy, lấy mật, chỉ xao nước muối cho sạch nhớt rồi sắp ra đĩa, long lanh ánh bạc liền. Bông điên điển hoang dã vươn dài, tinh sạch, chẳng hề thuốc phân. Khi hái nhớ nâng niu, tuốt nhẹ, dập cánh mất ngon và phải hái vào buổi chiều, lúc trời chạng vạng, bông vừa hé nhụy, tươi ngon. Nếu hái vào buổi sáng hoa nở tràn, ong bướm lấy hết mật rồi đâu còn tinh túy nữa.

     Cột mốc đo mực nước lên trong làng Chăm, An Giang.

Dù đủ bông súng, cải xanh, rau dừa, kèo nèo, đọt sộp, đọt lụa… vun tròn bàn cơm, chén mắm đồng sóng sánh nồng nàn đỏ rực lát ớt nhưng thiếu vắng cái vị nhân nhẩn, cái màu vàng sậm của bông điên điển thì tô canh chua cá linh “hư bột hư đường”, mất hết nét miền Tây. “Điên điển mà đem muối chua/Ăn cặp cá nướng đến vua cũng thèm”, rồi bông điên điển xào tép, làm bánh xèo, chấm mắm kho…

Lại bần thần với cá linh tươi kẹp tre nướng than hồng ăn với rau cải trời chấm mắm tỏi, cá linh lăn bột, chiên trứng, bánh xèo cá linh cuộn bông súng, cá linh kho mía, kho nước dừa liu riu vài lửa cho rục xương hay kho lạt dầm me bằm thêm ít xoài sống. Kể thêm những món “dân dã khác: Chuột đồng nướng lu, khìa nước dừa xiêm, canh chua cá rô nấu trái bần… Vật gì mùa này cũng xanh tươi, mũm mĩm, căng tràn cả.

Có ai biết nước mắm đồng hay nước mắm biển có trước? Có thời, cá linh mùa nước nổi về “bục lưới”, đong bán bằng giạ như đong lúa chứ không ai cân ký như bây giờ. Dân lấy ủ làm mắm. Mùa này ủ mùa sau ăn, khi nước giựt lại đón cá về ủ tiếp. Giọt (nước) mắm đồng ngả màu đỏ cánh gián, hậu ngọt dịu, ít trở mùi, mặn mà không chát. Nơi góc bếp quê vẫn ngào ngạt thơm nồng những khạp da bò láng o, những tĩn nước mắm đất nung từng theo những cánh buồm xưa ngược xuôi lục tỉnh. Cả vạt sông vẫn chung thủy giọt mắm đồng.  

Mùa nước nổi là mùa sinh sôi nảy nở, an toàn và sinh lợi. Cá linh, bông điên điển hoang dã bây giờ (nhiều nơi) có quanh năm. Gần chục năm rồi vẫn chưa quên bữa ăn trên chẹt thử nghiệm tour “Du lịch mùa nước nổi” giữa cánh đồng Bảy Thưa- Láng Linh mênh mông nước. Tour này luôn bộn khách, nôn nao nhất là bà con Việt kiều vọng cố hương...

Mùa nước nổi, người miền Tây tràn trề khát vọng vượt thoát nghịch cảnh. Mùa nước nổi - nổi rõ cách sống lạc quan, sáng tạo, đầy bản lĩnh của người châu thổ, khiến người ta khắc khoải, thương nhớ miền Tây hơn.  

Đồng bằng Cửu Long đã khác xưa, nắng mưa đỏng đảnh, nhiều cảnh báo. Lão nông Bùi Văn Triển, hơn 60 tuổi ở tận xã đầu nguồn Bình Thạnh (Đồng Tháp) bàn về biến đổi khí hậu, về hậu quả hệ thống thủy điện trên dòng Mê Công. Năm nay ông định kêu hai đứa con trên Bình Dương về với đồng nước quê nhà. Mùa len trâu đã đi xa thật rồi, nhưng để mùa nước nổi mất đi lại là chuyện khác, đau xé nhiều bề.

Cái nét nguyên sơ, chân chất, bàng bạc huyền ảo sông nước còn đó, ngọt ngào trong tâm thức với câu ca: “Theo chồng về chốn bưng biền/ Thấy bông điên điển nghiêng mình nhớ quê”. 

Chia sẻ bài viết