10/09/2018 - 10:58

Đi tìm chỗ đứng cho truyện tranh Việt 

Giữa thị trường truyện tranh thế giới đầy sôi động, truyện tranh Việt cũng đang dần tạo dựng vị trí và được độc giả Việt quan tâm, yêu thích. Tuy nhiên, bản sắc và sức lan tỏa cho truyện tranh Việt đang cần được định hình.

 Thiếu nhi đọc truyện tranh tại Hội Sách Cần Thơ 2017. Ảnh: DUY KHÔI

Mùa thu này, giới mê truyện tranh Việt háo hức với hàng loạt tác phẩm mới như “Blue Blood” của tác giả TéddiBe, “Genie in the hood” của họa sĩ Phạm Ngọc Hải Châu, “Bad Luck” của Châu Chặt Chém, “Thuyền này tui không ship” của Đặng Nhật Anh… Đây là những tác phẩm được đầu tư kỹ về nội dung, hình ảnh và quảng bá tốt. Đặc biệt, việc các tác phẩm được vẽ màu, đưa lên ứng dụng điện thoại di động (app) để dễ tiếp cận khiến độc giả rất hào hứng. App có tên gọi “Comi.mobi”- là ứng dụng đọc truyện tranh đầu tiên ở nước ta do Nguyễn Khánh Dương, tác giả bộ truyện tranh đình đám “Long Thần Tướng” sáng lập.

Truyện tranh Nhật (manga) du nhập vào Việt Nam từ đầu những năm 1990 với bộ truyện “Doraemon”. Tiếp sau đó là hàng loạt bộ truyện tranh nước ngoài ăn khách như “Bảy viên ngọc rồng”, “Thám tử lừng danh Conan”, “Thủy thủ mặt trăng”, “Siêu quậy Teppi”… Truyện tranh Việt Nam phát triển muộn hơn, ngoại trừ bộ “Dũng sĩ Hesman” (1992), thì chỉ khoảng 4 năm nay mới có tác phẩm nổi bật mang đậm dấu ấn Việt như “Thần đồng đất Việt”, “Nhật ký Mèo Mốc”, “Chuyện tào lao của Vàng Vàng” và tạo được tiếng vang nhất là “Long Thần Tướng” (Nguyễn Khánh Dương). Một tin vui nữa là tháng 10 tới, phiên bản tiếng Tây Ban Nha của tác phẩm “Long Thần Tướng” sẽ ra mắt độc giả tại Madrid. Cũng cần nói thêm, cùng với truyện tranh “Ðịa ngục môn” của Can Tiểu Hy thì “Long Thần Tướng” là hai truyện tranh của Việt Nam được trao giải tại Cuộc thi Truyện tranh quốc tế do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tổ chức.

Những câu chuyện trên cho thấy, tiềm lực và sự phát triển của truyện tranh Việt rất lớn và rất nhanh. Một đội ngũ trẻ tài năng đam mê truyện tranh Việt đang viết tiếp ước mơ vươn xa cho thể loại truyện được ưa thích này. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, thị phần của truyện tranh Việt vẫn chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn, số còn lại thuộc về các tác phẩm truyện tranh đến từ nước ngoài. Điều cần làm là tạo ra những bản sắc riêng cho những tác phẩm truyện tranh Việt.

Thử xem, chú mèo máy Doraemon, thám tử Conan… đều trở thành những hình mẫu, biểu tượng cho văn hóa của Nhật Bản. Nhắc đến những nhân vật ấy, độc giả thế giới nghĩ ngay đến nền công nghiệp truyện tranh của xứ sở Hoa Anh Đào. Vì vậy, các họa sĩ, tác giả, người làm truyện tranh Việt nên chăng cũng cần mang những bản sắc Việt Nam vào trong tác phẩm để vừa mở lối đi riêng, không pha lẫn, vừa quảng bá văn hóa của đất nước mình. Với những thành công như vừa qua, tin chắc truyện tranh Việt sẽ làm được.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết