15/04/2016 - 21:33

ĐỂ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KỸ THUẬT - CÔNG NGHỆ CẦN THƠ PHÁT TRIỂN

Sau hơn 3 năm hoạt động, Trường đại học (ĐH) Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ (KT-CN CT), trường ĐH trực thuộc TP Cần Thơ đã xây dựng nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, tại cuộc họp đánh giá tình hình hoạt động năm 2015 và phương hướng sắp tới của trường, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Lê Văn Tâm chủ trì vừa qua, rào cản về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ (CB) đã ảnh hưởng đến sự phát triển của trường...

* Lại… lỡ hẹn!

Thành lập trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ năm 2013, Trường ĐH KT- CN CT thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng nguồn nhân lực, vật lực đảm bảo phục vụ dạy học, nghiên cứu khoa học. So với thời gian đầu mới thành lập, cán bộ, viên chức (CBVC), giảng viên của trường tăng cả về số lẫn chất lượng. Hiện nay, trường có 192 CBVC, giảng viên (trong đó có 138 giảng viên), với 9 tiến sĩ, 106 thạc sĩ (trong đó có 25 nghiên cứu sinh). Về cơ sở vật chất, trường có 2 cơ sở: Cơ sở 1 (số 256 Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều); cơ sở 2 (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, với diện tích trên 17 ha). Năm học 2015-2016, trường mở thêm 4 ngành học mới (nâng tổng số lên 11 ngành đào tạo hệ chính quy), tuyển được 1.141/ 960 chỉ tiêu (nâng tổng số lên hơn 2.000 sinh viên hệ chính quy);... Năm học 2016-2017, trường dự kiến tuyển 912 sinh viên cho 11 ngành và xác định ít nhất 1 chương trình đào tạo để xây dựng theo hướng đạt chuẩn AUN; tiếp tục liên kết với các trường tuyển sinh đào tạo ĐH và sau ĐH.

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp ngày 8-4.

Tuy đạt một số kết quả đáng khích lệ nhưng nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH KT-CN CT, cho biết: "Trường cố gắng bổ sung nguồn nhân lực bằng nhiều hình thức nhưng vẫn còn thiếu CB đầu đàn ở một số lĩnh vực, ít nhiều ảnh hưởng hoạt động dạy và học". Xác định nguồn nhân lực rất quan trọng đối với quá trình phát triển trường ĐH, thời gian qua, lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm công tác đào tạo; được CB, giảng viên nhiệt tình hưởng ứng. Thế nhưng, việc thực hiện chế độ khuyến khích, ưu đãi chưa đồng đều đối với người học; chế độ thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao của địa phương còn chưa phù hợp với hoạt động thực tế nên trường khó thu hút cũng như "giữ chân" đội ngũ CB trình độ chuyên môn cao. Do vậy, trường kiến nghị được thực hiện chính sách thu hút đối với CB tốt nghiệp thạc sĩ đúng chuyên ngành và đang nghiên cứu sinh (thay vì phải tốt nghiệp tiến sĩ).

Nguồn nhân lực đã khó, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thực tập phục vụ dạy học, nghiên cứu khoa học của trường càng thêm khó khăn, thiếu thốn hơn. Còn nhớ năm 2014, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, đại diện sở, ngành thành phố làm việc với trường và "hứa" sẽ cố gắng hỗ trợ để củng cố nguồn lực CB, đầu tư cơ sở vật chất và ít nhất thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (giai đoạn 1) 5,7 ha trong tổng diện tích 17,67 ha ở cơ sở 2. Thế nhưng, hơn 3 năm qua, dự án đầu tư xây dựng Trường ĐH KT- CN CT (cơ sở 2) mới được UBND TP Cần Thơ phê duyệt chủ trương thực hiện tiểu dự án "Giải phóng mặt bằng - giai đoạn 1" với diện tích 5,7 ha, đến nay chưa được triển khai. Thạc sĩ Nguyễn Văn Ấu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KT-CN CT, bộc bạch: Trường phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Bình Thủy thực hiện tất cả thủ tục (đo đạc, cắm mốc, họp dân, lập kinh phí hỗ trợ...) nhưng đến nay, dự án chưa được triển khai, trong khi thời gian hậu kiểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đối với trường ĐH sau vài năm thành lập đã gần kề. Nhà trường rất cần sự hỗ trợ từ lãnh đạo, các sở, ngành thành phố.

* Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Tại cuộc họp đánh giá tình hình hoạt động năm 2015 và phương hướng sắp tới của Trường ĐH KT- CN CT, do ông Lê Văn Tâm chủ trì ngày 8-4 vừa qua, đại diện một số sở, ban, ngành thành phố thừa nhận rằng, khó khăn cơ sở vật chất, đội ngũ CB là rào cản lớn đối với sự phát triển của trường. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, trường cần bổ sung thêm 2 tiến sĩ ở vị trí thiếu hụt (1 CB chuyển công tác, 1 CB vừa nghỉ việc). Trường nên liên kết với các đơn vị đào tạo bậc sau đại học; tạo điều kiện cho CBVC học tập nâng cao trình độ bậc tiến sĩ. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, vì đây là một trong các điều kiện để CB hoàn thành luận án tiến sĩ, thạc sĩ. Thực tế, một số trường còn khó khăn nhưng vẫn thực hiện khá tốt hoạt động này, nên chăng trường phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện các đề tài phù hợp tình hình thực tế của trường. Đại diện Sở Nội vụ TP Cần Thơ cho rằng, việc thực hiện chính sách thu hút CB, ngành nội vụ sẽ tập hợp các ý kiến, báo cáo và trình Thường trực UBND TP Cần Thơ để thông qua HĐND thành phố sắp tới, giúp trường tháo gỡ khó khăn. Bởi đặc thù của trường đào tạo CB kỹ thuật, công nghệ và trực thuộc TP Cần Thơ nên việc thực hiện chính sách này chỉ áp dụng riêng với trường.

Về cơ sở vật chất của trường, do kinh phí thành phố hạn hẹp và phải đầu tư nhiều lĩnh vực nên chưa thể cùng lúc đầu tư tất cả công trình. Do đó, nhiều đại biểu cho rằng, xu hướng các trường phát triển theo hướng tự chủ ĐH, trong đó có tài chính. Nhà trường có thể nghiên cứu mở rộng dịch vụ của các đơn vị trực thuộc để tạo nguồn thu. Mặt khác, nếu kinh phí thành phố còn khó khăn, không thể tiến hành đầu tư cùng lúc cơ sở 1 và 2, nên chăng đưa danh mục (cơ sở 2) đầu tư thực hiện vào giai đoạn 5 năm tới...

Thực tế cho thấy, thành phố rất cần nguồn nhân lực kỹ thuật, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nên quyết tâm cho ra đời Trường ĐH KT- CN CT cũng như cam kết với Đoàn thẩm định Bộ GD&ĐT sẽ chuẩn bị mọi điều kiện, đảm bảo hoạt động tốt. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, thời gian qua, tập thể CBVC, sinh viên nhà trường nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp trường ngày thêm phát triển. Đây là trường ĐH đào tạo chuyên lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; sắp tới sẽ có thêm 1.000 sinh viên vào học. Do vậy, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành rất bức thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo. Ông Lê Văn Tâm nhấn mạnh: "Trường cần tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ và "nâng tầm" đội ngũ CBVC; bồi dưỡng lý luận chính trị cho CB, sinh viên thời kỳ hội nhập quốc tế… Các sở, ngành liên quan phải nghiên cứu và có văn bản trình Thường trực UBND thành phố để sớm bố trí vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị thực hành (cơ sở 1) và nguồn vốn giải phóng mặt bằng (cơ sở 2), giúp trường phát triển bền vững".

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết