26/10/2008 - 08:15

"Dân chủ, nhân quyền" - Chiêu bài đã lỗi thời của các thế lực thù địch với Cách mạng Việt Nam

*  NGUYỄN DUY QUÝ
GS. VS, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam

Trong lúc nhân dân Việt Nam đang phấn khởi, tự hào với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 20 năm đổi mới toàn diện đất nước, hăng hái thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì các thế lực thù địch tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Một trong những thủ đoạn của chúng là dùng chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”. Cái gọi là “dân chủ, nhân quyền” mà các thế lực thù địch thường rêu rao, đâu phải dân chủ, nhân quyền theo đúng nội hàm của khái niệm này. Đây là một mưu toan, một chiêu bài mà các lực lượng thù địch tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ Việt Nam trên trường quốc tế, gây rối, chia rẽ, tạo ra tình trạng mất đoàn kết trong nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, con bài “dân chủ, nhân quyền” còn được họ sử dụng như một công cụ trong chính sách đối ngoại, thông qua đó lấy cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” đã được các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam sử dụng từ lâu, dù “nhai đi, nhai lại” họ vẫn không thể lừa bịp được nhân dân Việt Nam.

Không ai có thể phủ nhận một thực tế: quyền con người là một giá trị phổ biến, có tính toàn cầu. Song, quyền con người còn là một giá trị lịch sử, gắn với điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi dân tộc, quốc gia, mỗi khu vực trên thế giới. Quan niệm của phương Tây về lợi ích cá nhân và quan niệm của phương Đông về lợi ích của dân tộc, của cộng đồng là những quan niệm rất khác nhau và do vậy, không thể áp đặt cho nhau.

Một số nước phương Tây đã và đang dùng chiêu bài quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Họ tự cho mình có quyền “can thiệp nhân đạo” và quảng bá quan niệm “quyền con người không có biên giới”, “nhân quyền cao hơn chủ quyền” để phủ nhận quyền của các dân tộc, nhất là quyền tự quyết định vận mệnh hay tự lựa chọn con đường phát triển của các dân tộc. Một điều đã trở thành chân lý: các quốc gia đều bình đẳng về chủ quyền, và công việc nội bộ của mỗi quốc gia phải do quốc gia ấy tự quyết định, không thể có quốc gia nào đó tự coi mô hình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của mình là khuôn mẫu, rồi đem áp đặt “khuôn mẫu” này cho các quốc gia khác.

Chủ quyền là quyền thiêng liêng của mỗi quốc gia dân tộc. Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam hiểu rất rõ giá trị đích thực của chủ quyền dân tộc, độc lập dân tộc và quyền tự do dân tộc. Công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam không ngoài mục đích đem lại độc lập cho đất nước, tự do, hạnh phúc cho cộng đồng và đương nhiên là cho mỗi con người với giá trị cao nhất là quyền con người.

Trong “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Lời bất hủ ấy ở trong Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(1).

 Đồng chí Trần Ngọc Nga, Phó Giám đốc Sở Văn hóa thông tin TP Cần Thơ, trao thiết bị âm thanh và nhạc cụ cho ông Liêu Quan, Đội trưởng Đội văn nghệ dân tộc Khmer xã Thới Lai, huyện Cờ Đỏ. Ảnh: T.V

Thật vậy, con người không thể có quyền tự do, sung sướng, không thể được bảo đảm nhân quyền theo nghĩa đích thực của từ này, nếu như họ sống trong một đất nước chưa giành được độc lập, tự do. Nước không được độc lập, tất yếu dân không thể có tự do. Một dân tộc còn nằm dưới ách thống trị của ngoại bang thì tự do, hạnh phúc đối với dân tộc ấy chỉ là một ước mơ. Độc lập dân tộc là điều kiện, cơ sở cho việc bảo đảm quyền con người. Rõ ràng, quan niệm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” là chiêu bài mà các thế lực thù địch thường dùng làm cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước có chủ quyền.

Nhân dân Việt Nam đã trải qua bao năm chiến tranh ròng rã, đã tốn biết bao xương máu để giành lại độc lập, tự do, dân chủ cho chính mình từ tay những kẻ xâm lược cùng bọn tay sai của chúng, không lẽ ngày nay lại dại dột trao lại quyền tự do, dân chủ cho chính những kẻ chiến bại và vẫn còn đang ôm hận thất bại ấy, để chúng quay trở lại tước quyền sống, quyền tự do, dân chủ của mình một lần nữa? Còn nhân quyền ư? Những kẻ đã trắng trợn, ngạo mạn chà đạp lên nhân quyền của nhân dân Việt Nam và nhân dân nhiều quốc gia khác đâu có đủ tư cách để phán xét về nhân quyền! Họ nói rằng mình là người tôn trọng độc lập, tự do, dân chủ, nhân quyền ư? Thực tế, đâu phải thế. Chính họ đã và đang nhúng tay vào việc lật đổ những chính quyền được nhân dân trực tiếp bầu ra một cách hợp hiến; chính họ đã và đang dùng vũ lực để tấn công vào các quốc gia độc lập, có chủ quyền, tàn sát những người dân vô tội chỉ vì chính quyền của các quốc gia ấy tỏ ra không phù hợp với “khẩu vị” của họ. Tất cả những điều đó đang phơi bày trước nhân dân toàn thế giới. Vì vậy, những luận điệu của họ không lừa bịp nổi ai, trừ một số kẻ vì tâm địa, mưu đồ đen tối mà không dám nhìn thẳng vào sự thật, không muốn thấy đúng sự thật mà thôi! Chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” mà những thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam cố bám lấy để chống phá cách mạng Việt Nam giờ đây đã trở nên quá lỗi thời.

Nhân dân Việt Nam đang được sống trong độc lập, tự do, dân chủ với tất cả quyền con người của mình. Nền dân chủ của Việt Nam đang được thực hiện thông qua Hiến pháp và pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bảo đảm quyền làm chủ thật sự của nhân dân vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nhà nước Việt Nam luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và dân là người quyết định thành quả lao động của mình. Người dân Việt Nam đã và đang tích cực triển khai thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển mọi tiềm lực của nhân dân để phát triển đất nước, phấn đấu “sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại”(2).

Bộ máy, cơ chế hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, đang được đổi mới gắn liền với cải cách hành chính, nhằm khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân, xây dựng đất nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Tuy còn có những mặt hạn chế, còn nhiều thách thức mà nhân dân Việt Nam đang phải đối mặt và phấn đấu để vượt qua, nhưng tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, mặt thành tựu vẫn là cơ bản. Thế nhưng, các thế lực thù địch tiếp tục dấy lên chiến dịch “nhân quyền” với âm mưu xuyên tạc, bôi nhọ, phá hoại cách mạng Việt Nam. Thực chất, đó là hành động kích động, lừa phỉnh một số người nhẹ dạ, cả tin, tạo ra cớ để phê phán Việt Nam về dân chủ, nhân quyền.

Gần đây, dư luận xã hội Việt Nam đã phê phán những lời bình luận mang tính kích động về tình hình thực hiện dân chủ ở Việt Nam của Hạ nghị sĩ Hoa Kỳ Lo-rét-ta Xan-chét và Nghị quyết liên quan đến một số đối tượng chống lại Nhà nước Việt Nam của Hạ viện Mỹ (ngày 2-5-2007). Dư luận cho rằng, những hành vi không phù hợp của bà L. Xan-chét trong thời gian ở thăm Việt Nam và nội dung của Nghị quyết nói trên là không có lợi cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Tiếp tục chính sách hận thù, các thế lực thù địch đã lợi dụng vấn đề “dân chủ, nhân quyền” để kích động một số phần tử cơ hội, biến chất trong nước gây rối, tạo cơ hội gây bạo loạn, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Đó là sự can thiệp thô bạo, trắng trợn và nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Việt Nam - một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

Từ quan niệm sai trái “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, các thế lực thù địch đã sử dụng chiêu bài “nhân quyền” để thực hiện mưu đồ thống trị, bá chủ thế giới. Tự cho mình là “quan tòa”, “cảnh sát quốc tế” đi dạy người khác về nhân quyền, song sự thực, họ đang sử dụng “nhân quyền” làm cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

Các quốc gia dân tộc đều có đặc điểm riêng về lịch sử, văn hóa, xã hội, truyền thống và bản sắc, trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau nên đều có quan niệm và tiêu chí về dân chủ, nhân quyền riêng của mình. Dân tộc Việt Nam từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thu được những thành tựu có ý nghĩa thời đại: từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến, Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới; nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; từ một nước có nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, nay đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là những thành tựu vĩ đại, có tầm quan trọng chiến lược, mở ra thời kỳ phát triển mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó cũng chính là những thành tựu dân chủ, nhân quyền cơ bản nhất mà nhân dân Việt Nam đã giành được, không ai có thể phủ nhận.

Chúng ta luôn luôn khẳng định, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu của cách mạng nước ta; mục tiêu ấy phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và nguyện vọng chính đáng của dân tộc Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn hy vọng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẽ bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Chúng ta tin tưởng chắc chắn vào thành tựu dân chủ, nhân quyền do chính mình xây dựng. Chúng ta coi trọng và biết ơn sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng cho rằng, đã qua lâu rồi thời kỳ những nước đang phát triển cần các nước phát triển đến “khai sáng”. Ai đó cũng như các lực lượng thù địch của cách mạng Việt Nam muốn “chọc gậy bánh xe”, muốn đi ngược dòng lịch sử, nhất định sẽ thất bại, nhất định sẽ bị lịch sử đào thải và lên án.

(Theo Tạp chí Cộng sản Điện tử)

---------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t4, tr1

(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 76

Chia sẻ bài viết