16/11/2017 - 19:56

Chư Nâm mùa lộng gió 

Mùa này, Chư Nâm lộng gió. Những cánh quỳ thiên di trải vàng trên sườn đồi. Gió thổi cỏ đuôi chồn dập dờn như những con sóng… Rất lý tưởng để có một chuyến đi cuối tuần, ngắm phố từ đại ngàn ở độ cao gần 1.500 mét so với mực nước biển.

    Đỉnh Chư Nâm cheo leo và lộng gió.

Chư Nâm là ngọn núi hoang sơ, trập trùng giữa Trường Sơn hùng vĩ, cách phố núi Pleiku khoảng ba mươi cây số, thuộc huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Khi gió Lào yếu đi, Trường Sơn đón những cơn gió từ biển thổi thốc lên, lồng lộng. Đoàn người chinh phục chỉnh Chư Nâm rất phấn khích vì đi mãi vẫn không ra mồ hôi vì gió mát rượi dù đang di chuyển vào giữa trưa.

Gởi xe ở nhà dân, đoàn chinh phục đi mất gần một cây số qua ruộng lúa, khoai mì của người bản địa, mới tới chân núi. Chỉ sau đó vài bước là những con dốc. Chúng tôi đi xuyên qua rẫy trồng khoai mì ngang đầu người lên tới độ cao khoảng một trăm mét so với điểm xuất phát, là đến rừng thông, nhưng phải dừng nghỉ ít nhất năm lượt vì độ dốc quá lớn. Có những đoạn, đi vài chục bước lại phải dừng để thở. Khu vực này toàn đất thịt, rất dễ trượt ngã. Nhiều lần, chúng tôi phải nắm chặt cây mì để đi lên và không bị trượt lùi về sau. Ksor, người từng “chinh chiến” qua các ngọn núi ở Tây Nguyên và là người dẫn đường, cho biết đoạn khởi động là chặng đường khó đi nhất. Vượt hết rừng thông, bạn mới chắc chắn vượt qua được hành trình này. Dù mệt, nhưng nghe đến những thách thức, nhất là nhìn lên mỏm đá trên đỉnh núi cao vời vợi, cả đoàn đều háo hức.

Hết những rẫy mì là tới rừng thông Chư Nâm mát rượi. Độ dốc có giảm đi một chút và dễ di chuyển vì có thể bám chân dễ dàng trên rễ thông mọc len lỏi qua đá, nhô lên mặt đất. Thỉnh thoảng còn được “đãi” vài đoạn đường ngang khá bằng theo sườn núi. Đi hết rừng thông, đường càng thông thoáng bởi từ đây đường toàn cây bụi do mức độ khắc nghiệt của môi trường. Từ đây, có thể nhìn rõ những bản làng, ruộng đồng của Chư Đăng Ya. Mấy tháng nay mưa nhiều, mặt Biển Hồ lan rộng ra thêm vài trăm héc-ta. Nước mênh mông trắng xóa, tạo nên những mảng màu đối lập với màu xanh của ruộng đồng, màu nâu vàng của đất bazan… Chưa kịp tận hưởng được “trái ngọt” từ hành trình gian nan vừa đi qua, Ksor bảo bắt đầu thử thách thứ hai. Chúng tôi phải leo trèo trên đá để vượt qua một tầng địa chất khác, chỉ toàn đá. Có những phiến đá không có chỗ bám, các thành viên trong đoàn phải bò để khỏi trượt ngã. Vì nếu đứng lên, ba lô sẽ giật người ngược về sau. Cứ mỗi lần lên được một khối đá, lại ngồi thở. Nhưng bù lại, đỉnh mỗi mõm đá vừa đi qua là một điểm ngắm cảnh tuyệt vời. Vài lần thót tim và hụt hơi với những phiến đá, mọi người reo lên bởi trước mặt là những con sóng cỏ đuôi chồn đang mùa đẹp nhất đong đưa trong gió. Sườn núi dốc đầy đá, khắc nghiệt về địa hình, thời tiết, cây cối khó có thể tồn tại. Có lẽ vì vậy, cỏ đuôi chồn thống lĩnh cả vùng này, tạo nên những ngọn đồi cỏ đuôi chồn tím hồng mùa nở hoa. Len lỏi qua những đám cỏ cao quá đầu người ban đầu rất phấn khích. Nhưng cỏ càng rậm và địa hình trắc trở, càng dễ lạc nhau. Chúng tôi phải bám sát từng chút một. Chậm một vài bước sẽ mất dấu người đi trước, rất dễ lạc đường vì không có lối mòn. Thỉnh thoảng phải kêu to để định hướng đường đi. Càng lên cao, dốc càng đứng. Lại một lần nữa, bám theo cỏ đuôi chồn chắc chắn để bước lên phía trước.

Lên được độ cao 1.200 mét tới đỉnh Yên Ngựa, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Từ đây, hành trình tới hai phiến đá to ở đỉnh Chư Nâm dễ dàng hơn. Nhưng càng lên cao, gió càng thốc. Đi giữa  đường trống, ít cây cối, gió càng dữ dội. Sau khi dùng đủ mọi tư thế để chinh phục đỉnh Chư Nâm, cả đoàn ngồi sát bên nhau trên đỉnh chứ không đứng được, vì tốc độ gió lớn, có thể thổi bay người. Từ đây, bạn có thể nhìn khắp vùng Tây Gia Lai rộng lớn, bao gồm cả Biển Hồ, núi Chư Đăng Ya và cả vùng đất đồi dốc kéo dài từ Chư Păh kéo dài tới Pleiku, Đắk Đoa…, thưởng thức toàn bộ vẻ đẹp của đất trời nơi đây. 

Bài, ảnh: THỤY DU

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Chư Nâm