18/04/2024 - 22:02

Đẩy mạnh liên kết du lịch và văn hóa để phát triển bền vững 

Liên kết các hoạt động du lịch với văn hóa, nhất là văn hóa bản địa, đang trở thành yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch bền vững. Theo đó, nhiều mô hình, cách làm hay đang được ngành du lịch các địa phương triển khai.

Du khách tham quan ở làng hoa Sa Đéc, nhân Festival Hoa- Kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp). Ảnh: KIỀU MAI

Chú trọng phát triển văn hóa gắn với du lịch

Việt Nam có nền văn hóa giàu bản sắc và đa dạng với hơn 4.000 di tích được xếp hạng quốc gia, hơn 400 di sản văn hóa phi vật thể. Nhiều hệ thống di sản đã được UNESCO công nhận, trở thành tài sản vô giá thu hút du khách. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 147/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có xác định: “Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của từng điểm đến” và nhấn mạnh “Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh và góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam với bè bạn quốc tế”. Trên cơ sở này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Ðề án Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa. Theo đó, thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam được định vị dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận tích cực.

Trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 1755/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, du lịch văn hóa là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ chiếm 15-20% trong tổng số 40 tỉ USD doanh thu từ khách du lịch. Trong Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, cũng nhấn mạnh “Phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tham gia vào phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam; đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa trong đó coi trọng du lịch văn hóa”. Như vậy, văn hóa là yếu tố quan trọng để hình thành nên sản phẩm du lịch.

Thực tế, nhiều năm qua, các quốc gia trên thế giới chú trọng khai thác các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, thể thao, giải trí... để phát triển du lịch. Thông qua các sự kiện đồng thời hình thành những điểm đến đặc trưng, thu hút du khách. Tại Việt Nam, ngành du lịch nhiều địa phương cũng đang theo xu hướng này và đã tạo được sản phẩm riêng. Ðiển hình như: Festival Nghệ thuật Huế, Festival Biển Nha Trang, Carnaval Biển Hạ Long, Festival Cồng chiêng Tây Nguyên, Festival Lúa gạo Hậu Giang, Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh, Lễ hội Pháo hoa quốc tế Ðà Nẵng, Festival Hoa - Kiểng Sa Ðéc, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ (Cần Thơ)… Cùng với đó, các giá trị nghệ thuật cũng được nhiều đơn vị nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, như chương trình thực cảnh Ký ức Hội An (Quảng Nam), Tinh hoa Việt Nam (Phú Quốc, Kiên Giang), Tinh hoa Bắc Bộ (Hà Nội), Fishermen Show - Huyền thoại làng chài (Bình Thuận)… Với ngành Du lịch, lễ hội được xem là một sản phẩm văn hóa đặc biệt. Bởi lẽ, lễ hội không chỉ mang đến cho du khách trải nghiệm, tri thức dân gian về văn hóa, con người, ẩm thực ở các vùng đất mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, lan tỏa những hình ảnh, vẻ đẹp về văn hóa, con người nơi đó.

Phát triển du lịch văn hóa tại ĐBSCL

ÐBSCL được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng về phát triển du lịch văn hóa. Vùng đất này có sự giao thoa văn hóa của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer và Chăm, là cơ sở để ÐBSCL có tín ngưỡng tôn giáo đa dạng, quần thể kiến trúc độc đáo, các làng nghề truyền thống trăm năm. Hiện toàn vùng có hơn 300 làng nghề truyền thống, trong đó có khoảng 30 làng nghề có tuổi đời trên 100 năm. Ngoài ra, ÐBSCL còn có hơn 1.200 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian, truyền thống chiếm gần 70%. Các lễ hội cấp quốc gia như: Vía Bà Chúa xứ Núi Sam (An Giang), Nghinh Ông (Cà Mau); hay các lễ hội thể hiện dấu ấn đặc sắc về văn hóa của các dân tộc sinh sống trong vùng (như lễ Ok - Om - Bok, Sen - Dolta, hội đua bò Bảy Núi của đồng bào dân tộc Khmer; lễ Ramadan, Roya của dân tộc Chăm; cúng Bà Thiên Hậu của dân tộc Hoa). Bên cạnh đó, ÐBSCL còn đang hình thành một số lễ hội quảng bá đặc sản, như dừa ở Bến Tre, bánh dân gian ở Cần Thơ, hoa kiểng  ở Ðồng Tháp…

Festival Lúa gạo Hậu Giang. Ảnh: MINH TRUNG

Trên thực tế, các tỉnh thành vùng ÐBSCL ngày càng chú trọng khai thác các sản phẩm du lịch văn hóa. Ông Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Trà Vinh hiện có 56 di tích, 7 di sản văn hóa phi vật thể và 143 ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer. Ðây là lợi thế để chúng tôi phát triển du lịch văn hóa bên cạnh các sản phẩm du lịch nông nghiệp, cộng đồng. Trong năm 2024, chúng tôi tổ chức Lễ hội Dừa sáp, vừa là điểm nhấn du lịch, vừa phát huy tiềm năng đặc trưng của địa phương”. Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở VHTT&DL TP Cần Thơ thông tin: “Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội về sông nước trên cơ sở kết hợp phát huy Di sản Văn hóa Chợ nổi Cái Răng”. Cần Thơ hiện có sản phẩm văn hóa lễ hội gây chú ý là Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, hằng năm đều thu hàng trăm ngàn khách đến tham quan và thưởng thức ẩm thực. Ðồng Tháp cũng dần khẳng định thương hiệu Lễ hội Sen Ðồng Tháp.

Du lịch văn hóa tại ÐBSCL đang được các địa phương chú trọng khai thác, gắn kết giữa văn hóa và du lịch. Trong đó, các tiềm năng về đặc sản, cộng đồng dân cư, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể… đang được gắn kết với các sự kiện, lễ hội đặc trưng hình thành nên những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách.

ÁI LAM

 

Chia sẻ bài viết